Ngày 24/5, quân đội Thái Lan công bố chính quyền quân sự đã giải tán
Thượng viện và trao toàn bộ trách nhiệm lập pháp cho Tư lệnh Lục quân
Prayuth Chan-ocha, người đã lãnh đạo cuộc đảo chính
lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra
hôm 22/5. Cảnh sát bắt giữ một thanh niên tham gia phản đối chính quyền quân sự ở Bangkok ngày 24/5. |
Tuyên bố phát trên truyền hình quốc gia nêu rõ:
"Thượng viện đã giải tán. Trách nhiệm đối với bất cứ luật nào cần sự
thông qua của Quốc hội hay Thượng viện sẽ do lãnh đạo chính quyền quân
sự đảm trách".
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, chính quyền
quân sự đã quyết định thiết lập một cơ cấu chính quyền mới, đặt dưới sự
giám sát của các tướng lĩnh tham gia cuộc đảo chính, trong đó Tư lệnh lục quân Prayut Chan-ocha là tổng chỉ huy và thủ tướng tạm quyền.
Quyết định trên cho thấy các tướng lĩnh quân đội Thái Lan sẽ tiếp
tục nắm quyền cho tới khi cuộc cải cách các thể chế chính trị, kinh tế
và xã hội được hoàn tất.
Một trong những nhiệm vụ mà chính
quyền quân sự thực hiện ngay sau khi thành lập là chi trả tiền cho nông
dân Thái Lan trong chương trình trợ giá gạo. Tướng Prayuth cam kết sẽ cố
gắng tìm các nguồn tiền để chi trả tận tay cho nông dân trước khi các
hợp đồng bán gạo liên chính phủ bị tạm thời đình chỉ. Dự kiến trong vòng
15 đến 20 ngày tới, tất cả các khoản nợ nần sẽ được chi trả cho nông
dân.
Hiện tại, chính quyền quân sự Thái Lan vẫn phải đối mặt
với sự phản đối của các nhóm chống đảo chính. Từ chiều tối 23/5 đã có
hàng trăm người tổ chức tuần hành tại các trung tâm thương mại và những
tuyến phố chính ở Bangkok nhằm phản đối cuộc đảo chính, bất chấp lệnh
giới nghiêm đang được áp dụng để duy trì trật tự. Quân đội Thái Lan đã
phải lập thành hàng rào ngăn cản và bắt giữ một số người biểu tình.
Trong một tuyên bố cùng ngày 24/5, quân đội cho biết Thủ tướng bị
phế truất Yingluck Shinawatra cùng các bộ trưởng trong nội các của bà
cũng như các thủ lĩnh biểu tình hiện đang bị giam giữ tại một số cơ sở
do quân đội kiểm soát.
Theo người phát ngôn quân đội, Đại tá
Vinthai Suvari, khoảng 150 người bị quân đội giữ tại các địa điểm khác
nhau, trong đó có cựu Thủ tướng Somchai Wongsawat cùng vợ là Yaowapa, chị gái của bà Yingluck.
Quân đội cho rằng những người bị giam giữ này liên quan trực tiếp hoặc
gián tiếp đến tình trạng hỗn loạn trên đường phố. Đại tá Vinthai khẳng
định họ đều được an toàn và sẽ không bị giữ quá 1 tuần.
Trước
đó, bà Yingluck cùng các bộ trưởng trong chính phủ của bà đã đến trình
diện ngày 23/5 theo triệu tập của quân đội. Quân đội giải thích rằng
việc này nhằm bảo vệ tính mạng người dân, ngăn chặn xung đột leo thang
và đưa tình hình đất nước sớm trở lại bình thường.
Liên quan
đến tình hình Thái Lan, phóng viên TTXVN tại Phnom Penh đưa tin quân đội
Thái Lan đã cho đóng cử 40 điểm thông thương giữa Thái Lan và Campuchia
sau khi đảo chính. Tại cửa khẩu Poipet quân đội Thái Lan đã
tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt từ sáng 23/5, tuy nhiên tình hình tại khu
vực biên giới Campuchia -Thái Lan vẫn ổn định.
Người phát
ngôn Bộ ngoại giao Campuchia Kuy Kuong nhận định cuộc đảo
chính tại Thái Lan không ảnh hưởng tới quan hệ hai nước. Campuchia đang
quan tâm theo dõi và hy vọng tình hình Thái Lan sẽ trở lại ổn định.
Trước đó ngày 22/5, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar
Kheng đã ra công lệnh yêu cầu quân đội, cảnh sát biên phòng
Campuchia và chính quyền các tỉnh giáp biên giới giữ gìn quan hệ, hợp
tác tốt với phía Thái Lan, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ người qua lại,
hàng hóa xuất nhập cảnh hai bên, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình
Thái Lan.
TTXVN/Tin Tức