Nhân dịp này UBND tỉnh Bắc Kạn đã tặng Bằng khen cho 8 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc, tôn giáo.
Trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Bùi Đức Hạnh/TTXVN
|
Đồng bào dân tộc Mông ở tỉnh Bắc Kạn có 4.106 hộ với 21.017 nhân khẩu, chiếm khoảng 5,6% dân số toàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Bí thư thường trực tỉnh Bắc Kạn, để cải thiện và từng bước nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Mông trong thời gian tới các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo; tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo; định canh, định cư…
Chính quyền các cấp cần quan tâm tập trung đầu tư phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng thiết yếu, quy hoạch khu dân cư; hỗ trợ đất và nước sản xuất, nâng cao năng suất lao động, xóa đói giảm nghèo bền vững để ổn định cuộc sống, giảm bớt sự cách biệt với các cộng đồng dân tộc khác; quan tâm nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc Mông; đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức là người Mông để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lâu dài; chú trọng xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng ở vùng đồng bào dân tộc Mông. Các cấp chính quyền, đoàn thể phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc Mông; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống vật chất tinh thần, sức khỏe cho đồng bào dân tộc Mông…
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Đình Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương đã biểu dương những kết quả mà tỉnh Bắc Kạn đã đạt được trong 10 năm thực hiện công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông; đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới tỉnh Bắc Kạn cần quan tâm chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc Mông, từng bước thu hẹp khoảng cách, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào Mông. Bắc Kạn là tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng không có điểm nóng về vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Tuy nhiên do tập quán, đồng bào dân tộc Mông còn ở những nơi hẻo lánh, trên núi cao, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống còn khó khăn nên cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường trạm; đưa cán bộ về các bản Mông để hướng dẫn đồng bào về khoa học kỹ thuật, phương pháp chăm sóc sức khỏe; thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Sau 10 năm thực hiện, tại Bắc Kạn, hệ thống chính trị, cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào Mông được xây dựng, nâng cấp, kinh tế xã hội phát triển, giao thông đi lại bớt khó khăn hơn. Đời sống đồng bào dân tộc Mông được cải thiện cả về vật chất lẫn văn hóa tinh thần. Đồng bào được tham gia các lớp tập huấn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước ổn định cuộc sống.
Trong 10 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư hơn 85 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng các khu dân cư đồng bào Mông, đầu tư hơn 148 tỷ đồng để thực hiện 9 dự án bố trí dân cư ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai và vùng đặc dụng Vườn Quốc gia Ba Bể. Công tác chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục, văn hóa cũng được đẩy mạnh với 25.200 buổi chiếu bóng, 1.200 buổi biểu diễn phục vụ bà con dân tộc Mông; 6.000 tờ rơi tuyên truyền về nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông đã được phát. Hệ thống chính trị, an ninh trật tự được giữ vững.