Kỳ vọng của ô tô, dệt may, điện tử“Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có lúc tưởng sắp “bay” lên nhưng rồi mãi vẫn không “bay” lên được”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhận xét như vậy tại diễn đàn “Hiệp định TPP - Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/3.
Được nhận định sẽ hưởng lợi lớn từ TPP do có cơ hội hợp tác với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật, tuy nhiên ông Thiên cho rằng, TPP không thể giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tự nhiên “bay lên” mà phụ thuộc rất lớn vào nội lực của ngành.
Việt Nam đang đón đầu luồng vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Danh Lam - TTXVN |
Sự yếu kém của ngành công nghiệp ô tô đã được nhắc đến nhiều lần. Sau nhiều năm hưởng ưu đãi của Nhà nước, nhiều chỉ tiêu về tỷ lệ nội địa hóa vẫn không hoàn thành mục tiêu. Với lộ trình cắt giảm thuế quan, đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các quốc gia thành viên ASEAN sẽ giảm xuống mức 0%, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn bởi hiện các nước như Thái Lan, Indonesia... đang có sản lượng ô tô rất lớn và đang hướng đến xuất khẩu.
Nếu không tham gia được vào chuỗi cung ứng của các hãng ô tô lớn thì khả năng ngành ô tô Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh. Vì vậy, giải pháp được các chuyên gia đưa ra cho ngành, đó là phát triển công nghiệp phụ trợ để cung ứng phụ tùng ô tô cho các đối tác lớn.
Không chỉ tác động đến ngành công nghiệp ô tô, TPP được dự báo sẽ tác động tích cực đến ngành dệt may của Việt Nam. TPP dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu may mặc và giày dép của Việt Nam đạt 16,5 tỷ USD trước năm 2025. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với 55% thị phần toàn ngành dệt may. Khi TPP có hiệu lực, mức thuế suất hàng dệt may từ Việt Nam sang thị trường này có thể giảm xuống gần bằng 0%, thay vì 17% như hiện nay. Đặc biệt, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Trên thực tế, đã xuất hiện các dự án đầu tư lớn và rất lớn để đón đầu TPP.
“Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ ‘từ sợi trở đi’, giúp Việt Nam tăng giá trị gia tăng nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận xét.
Bên cạnh đó, Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Intel, Microsoft, LG... đã đầu tư mạnh vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng nằm trong chuỗi sản xuất các mặt hàng công nghệ cao như bộ vi xử lý máy tính, điện thoại thông minh, các mặt hàng gia dụng sử dụng công nghệ mới... Tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển mạnh mẽ hơn.
Làm gì để đón đầuTheo ông Trần Thanh Hải, tham gia vào TPP và các hiệp định thương mại khác, với phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu, đồng nghĩa với việc cắt giảm lộ trình thuế quan nhưng hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng khắt khe hơn. Do đó, hàng hóa Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm sản xuất của các nước có lợi thế cạnh tranh vượt trội với Việt Nam cũng như cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào thị trường Việt Nam do được hưởng lợi từ lộ trình cắt giảm thuế quan.
Mặt khác, các ngành công nghiệp lớn, giữ vai trò chủ đạo của Việt Nam như dệt may, da giày, điện thoại di động, sản phẩm điện tử... hầu hết là những ngành có tỷ lệ gia công cao nên sản phẩm xuất khẩu chưa đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Các ngành này chưa chủ động về vốn, kỹ thuật, công nghệ, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Việc chưa tự chủ về nguyên phụ liệu còn gây ra những khó khăn khi xét các tiêu chí xuất xứ phải đáp ứng để được hưởng lợi từ TPP.
“Quy tắc xuất xứ ‘từ sợi trở đi’ của Mỹ đối với ngành dệt may đang là trở ngại cho ngành bởi ngành dệt may chưa sản xuất được vải nguyên liệu và đang phải nhập khẩu đến 70% từ nước ngoài, trong đó trên 50% nhập khẩu từ Trung Quốc là nước không tham gia ký kết TPP”, ông Hải dẫn chứng.
Từ đó, ông Hải cho rằng, các DN cần chủ động nắm bắt tình hình nhu cầu thị trường, các chính sách quản lý nhập khẩu của các nước để tránh thiệt hại do bị kiện phòng vệ thương mại; đầu tư cho những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, nâng trình độ gia công lên những sản phẩm cao cấp, có giá trị cao hơn. Về phía các cơ quan quản lý cần nghiên cứu thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho DN như thí điểm DN tự chứng nhận xuất xứ khi xuất khẩu hàng hóa; đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia đối với tất cả các thủ tục hành chính để kết nối trao đổi dữ liệu, giảm bớt giấy tờ; cấp giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet...
Bên cạnh đó, đại diện Vụ Công nghiệp nặng cho rằng, các DN cần tận dụng cơ hội hợp tác với các DN nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác. Về dài hạn, các DN trong nước cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.