Vai trò già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh Gia Lai đã và đang được phát huy tích cực, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội ở địa phương. Toàn tỉnh hiện có 1.261 buôn làng DTTS với khoảng 500.000 người dân sinh sống (chiếm 44,7% dân số toàn tỉnh) nhưng có đến hơn 2.000 già làng, trưởng bản và người uy tín tiêu biểu, tăng gần gấp đôi so với năm 2009.Làng định canh, định cư mới Kơ Tu Dơng, xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. |
Trong những năm qua, các già làng, trưởng bản và người có uy tín đã tích cực tham gia nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện tốt vai trò của mình trong cộng đồng DTTS, từng bước xây dựng các buôn làng được "no cơm ấm áo" và yên bình trong cuộc sống. Trên lĩnh vực lao động sản xuất, các già làng, trưởng bản và người uy tín đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa như mở rộng diện tích lúa nước 2 vụ, trồng cây cao su tiểu điền, trồng cây bời lời trong vườn nhà và trên các vùng đất đồi hoang hóa... Nhờ vậy, hàng năm ở các buôn làng dân tộc có từ 4.000 - 5.000 hộ thoát nghèo mang nhiều yếu tố bền vững, nhất là ở các vùng chuyên canh cao su và cà phê ở các huyện biên giới Đức Cơ, Chư Prông và Ia Grai. Nhiều hộ dân tộc đã trở thành tỷ phú nhờ việc chuyển đổi này, như hộ anh Rơ Mal Brao ở làng Mới, xã Ia Dưk, huyện Đức Cơ hiện đang sở hữu khoảng 15 ha cao su và các loại cây trồng kinh tế khác, bình quân mỗi năm có tổng mức thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
Đến thăm làng Kơ Tu Dơng ở xã Hà Ra, huyện Mang Yang, chúng tôi đã thấy "mãn nhãn" bởi quang cảnh nơi đây đẹp và yên bình. Đoạn đường dài khoảng chừng 1 km uốn lượn dưới chân đồi được làm bằng bê tông cứng và cả hơn 2 km đường nội làng cũng vậy. Ở làng Kơ Tu Dơng nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc và đều đặt ảnh chân dung và thư của Bác Hồ gửi cho bà con tại Đại hội các DTTS miền Nam Việt Nam năm 1946 được in dịch ra 2 thứ tiếng Việt - Bahnar, Việt J'rai ở nơi trang trọng nhất nhà. Làng Kơ Tu Dơng mới được tổ chức định canh, định cư được 3 năm nay với 88 hộ, 361 nhân khẩu đều là người dân tộc Bahnar, do ở làng cũ cách xa khoảng chừng 2 km có số lượng người tăng nhanh, thiếu đất sản xuất và đất ở nên phải tách hộ, giãn dân đến nơi ở mới.
Tại đây, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên đầu tư khá đầy đủ về cơ sở hạ tầng thiết yếu "điện - đường - trường - trạm" đảm bảo phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất của bà con. Mỗi hộ được Nhà nước cấp 1.000 m2 đất ở và đất vườn, đồng thời hỗ trợ thêm kinh phí để làm nhà ở, tuy nhiên hộ nào cũng tự nguyện đóng góp thêm từ 5 - 10 triệu đồng để làm nhà ở khang trang hơn. Có hộ còn bỏ ra đến vài ba chục triệu đồng làm nhà kiên cố. Bà con nói rằng, nhờ có già làng Tir tuyên truyền, giải thích và vận động nên bà con đã nghe và làm theo.
Già làng Tir năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng trông chắc khỏe và minh mẫn, già ngậm tẩu thuốc cùng vui với dân làng và nói với các nhà báo chúng tôi rằng: Năm nay đời sống dân làng Kơ Tu Dơng có khá hơn lên, hộ nghèo hiện đang giảm xuống chỉ còn khoảng 20 hộ và làng đang tiến tới hết hộ nghèo trong một vài năm tới. Trong dịp Tết Ất Mùi vừa qua, được Nhà nước hỗ trợ một phần về vật chất, bà con trong làng đóng góp thêm một ít và tổ chức đón mừng năm mới vui lắm, làng cũng tổ chức đánh cồng chiêng, múa xoang, "cái bụng" của bà con ai cũng sướng, cũng thích...
Ông Hồ Văn Điềm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Gia Lai khẳng định: Vai trò các già làng, trưởng bản và người uy tín có tác động tích cực đối với đời sống của cộng đồng DTTS. Do vậy trong những năm tới tỉnh cần có giải pháp, cơ chế và chính sách phù hợp với đặc thù để xây dựng lực lượng này vững vàng cả về số lượng và nâng cao chất lượng, đảm bảo các già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng hoạt động có hiệu quả và thiết thực nhất, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.