Tây Nguyên phát huy vai trò Người có uy tín: Nòng cốt của mọi phong trào

Đã từ lâu, người có uy tín, các già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên luôn kiên trung một lòng theo Đảng, theo Nhà nước, động viên gia đình, dòng tộc, buôn làng cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước.

Hạt nhân chính trị

Theo thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong tiến trình phát triển ở Tây Nguyên đã hình thành những thế hệ cán bộ là người dân tộc thiểu số (DTTS) tiêu biểu cho tầng lớp trí thức dân tộc, là những người có khả năng vận dụng những phong tục, tập quán kết hợp luật pháp để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội, bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm… Trong công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ở Tây Nguyên đã có nhiều anh hùng, liệt sĩ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng như N’Trang Lơng, Đinh Núp, Y Bih Alêô, Y Ngông Niê Kdăm… mãi mãi là tấm gương sáng, niềm tự hào của đồng bào các DTTS Tây Nguyên và cả nước.

Đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tặng bằng khen cho người có uy tín đồng bào dân tộc thiểu số và chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu.


Trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên cũng đã xuất hiện nhiều gương điển hình là đồng bào DTTS, lớp người tiêu biểu thế hệ mới có trình độ học vấn, am hiểu khoa học công nghệ, mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Họ không chỉ biết làm giàu cho bản thân, gia đình mình, mà còn giúp đỡ cộng đồng nơi cư trú thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Có nhiều già làng có uy tín dành nhiều thời gian, công sức lo cho công việc của cộng đồng, bảo tồn, phát huy các phong tục, tập quán văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình như khôi phục và bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho gia đình và nhiều hộ gia đình trong buôn, trong bon, làng và được mọi người tin yêu, mến phục, suy tôn. Ngoài ra, còn có đội ngũ cán bộ DTTS tại chỗ, những người luôn vì lợi ích cộng đồng, với mong muốn dân tộc mình, quê hương mình ngày càng tiến bộ, phát triển.

Tại Tây Nguyên, người có uy tín trong đồng bào DTTS rất đa dạng, nhiều thành phần dân tộc, tôn giáo... với 3.658 người và hàng nghìn già làng, trưởng buôn, bon, làng.

Người có uy tín, các già làng ở các thôn, bon, làng ở Tây Nguyên còn phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, chính quyền địa phương đứng ra hòa giải, giải quyết những trường hợp tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất giữa cộng đồng dân tộc. Giải thích, tuyên truyền cho đồng bào về chính sách di dân, ổn định dân cư, khai thác tiềm năng đất đai của địa phương, của vùng và việc phá rừng làm nương rẫy là vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng… Từ đó đã xây dựng tình đoàn kết giúp đỡ, học tập lẫn nhau trong làm ăn kinh tế, cùng nhau giữ gìn những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

Đi đầu trong phát triển kinh tế

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đội ngũ người có uy tín, các già làng trong đồng bào DTTS ở Tây Nguyên đã đóng góp vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, nhất là vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó mà từ chỗ nền kinh tế mất cân đối, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu, đến nay, Tây Nguyên đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng, phong phú, với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng, nông dân được tiếp cận với khoa học công nghệ, nhân rộng nhiều mô hình đầu tư thâm canh. Chăn nuôi đã chuyển dần từ nhỏ lẻ lên quy mô trang trại. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện, đưa thu nhập bình quân đầu người tăng dần hàng năm.

Toàn vùng Tây Nguyên hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 10,12%, riêng hộ nghèo người DTTS còn 23,09%, giảm 4,17% so với năm 2013. Về xây dựng nông thôn mới, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng được 1.350 mô hình sản xuất có hiệu quả, trên 33 xã đạt 19 tiêu chí (chiếm 5,71%). Các chỉ tiêu về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, chợ nông thôn… đạt khá so với mức trung bình của cả nước. Toàn vùng đã có 93,15% xã, phường, thị trấn có trạm y tế, tỷ lệ các cơ sở này có bác sĩ làm việc đạt 87%, có 3.223 trường học ở các bậc học đáp ứng tốt yêu cầu học tập cho con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Thời gian qua, nhiều chính sách đặc thù cho đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên được Đảng, chính quyền các tỉnh chăm lo, thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và định canh, định cư cho các buôn, bon, làng đồng bào DTTS, thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc, triển khai lồng ghép nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia để đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội các buôn, thôn, bon, làng đồng bào DTTS gắn với định canh, định cư, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong đồng bào DTTS tại chỗ.

Chính quyền các cấp đã dành một nguồn lực lớn để xây dựng đời sống văn hóa ở các buôn, bon, làng, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Các tỉnh Tây Nguyên cũng kế thừa có chọn lọc những giá trị văn hóa tiêu biểu, loại bỏ dần các hủ tục, xây dựng giá trị mới về văn hóa nghệ thuật, hình thành nếp văn minh, gia đình văn hóa ở các tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có 533 bưu điện văn hóa xã, 2.409 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng buôn, 1.151 nhà rông văn hóa, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…

Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn còn là một vùng nghèo, tiềm lực kinh tế và mức sống còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Do vậy, mục tiêu, nhiệm vụ then chốt của các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ người có uy tín, các già làng và đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên trong những năm tới là tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo. Đặc biệt, trong chính sách phát triển Tây Nguyên hiện nay, Đảng và Nhà nước luôn xác định quan điểm xem đồng bào DTTS là đối tượng ưu tiên số một, coi sự ổn định và phát triển vùng đồng bào DTTS là nhân tố bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên. Vì vậy, Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên mong muốn đội ngũ người có uy tín, các già làng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên phát huy hơn nữa vai trò của mình sát cánh cùng đồng bào các dân tộc dấy lên phong trào thi đua yêu nước để xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng an ninh.
Quang Huy
Số người có uy tín ở Gia Lai ngày càng tăng
Số người có uy tín ở Gia Lai ngày càng tăng

Vai trò già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh Gia Lai đã và đang được phát huy tích cực, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN