Sơn La có một khu rừng mang tên Đại tướng

Nằm cạnh đèo Nhọt, thuộc xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La có một khu rừng đặc biệt được người dân đặt tên là Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khu rừng này là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân cách mạng đi từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) lên Điện Biên, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, khi qua đây đã chọn làm nơi đóng quân, nghỉ ngơi.

Theo những người dân nơi đây, chỉ những ai sinh ra từ những năm 1930 trở về trước mới nắm rõ được câu chuyện về Rừng Đại tướng. Đa số người dân chỉ được nghe lại qua lời kể của ông, bà, cha, mẹ. Trước đây, khu rừng này vốn có tên gọi chính thức là rừng bản Nhọt, nhưng với sự kính trọng và cảm phục về công lao của Đại tướng, cũng như để con cháu luôn nhớ về nơi Đại tướng đã dừng chân, người dân nơi đây đã gọi khu rừng này với tên gọi rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Di tích lịch sử


Được người dân chỉ dẫn, chúng tôi tìm gặp cụ Bạc Văn Kinh, năm nay đã gần 80 tuổi ở bản Nhọt, xã Gia Phù người từng là du kích thời kháng chiến chống Pháp và trực tiếp tham gia vận chuyển lương thực, hàng hóa cho bộ đội khi đóng quân tại đây.

 

Trải qua hàng chục năm, Rừng Đại tướng vẫn còn nguyên sơ.


Dẫn chúng tôi đi thăm khu rừng mang chứng tích lịch sử, trầm ngâm bên gốc chò to 3 người ôm không xuể, cụ Bạc kể lại: Tuy không gặp được Đại tướng nhưng cụ vẫn nhớ rõ về những sự kiện năm đó. Năm 1954, sau khi đánh Pháp ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Đại tướng cùng đoàn quân cách mạng đi từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) lên Điện Biên để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đã dừng lại ở con suối Tắc Te và suối Dưn trong rừng bản Nhọt để đóng quân, nghỉ ngơi chuẩn bị sức lực để tham gia đánh trận mở màn. Lúc đó, Tướng Giáp cho quân đóng quân từ cửa rừng và dọc theo các con suối, mỗi khe, mỗi suối là một trung đội. Tại các bãi đất bằng bộ đội còn bố trí các kho để chứa lương thực, đạn dược.

Khu rừng nằm trên địa bàn bản Nhọt, thuộc sự quản lý của xã Gia Phù (huyện Phù Yên, Sơn La), diện tích khoảng hơn 200 ha, trong rừng có những cây cổ thụ lâu năm thuộc các loài như chò, sâng, sấu...

Theo lời các cụ cao niên kể lại cho con cháu trong bản thì không ai nắm rõ được chính xác, đoàn quân của Đại tướng ở lại đây bao lâu, cũng không biết bộ đội mình đào hầm trú ẩn nơi nào, bởi thời điểm ấy là lúc quyết định, mọi việc cần được giữ bí mật tuyệt đối.


Xác định đây là một di tích không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mà còn là nơi ghi dấu tình cảm của đồng bào dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2008 tỉnh Sơn La đã công nhận khu rừng bản Nhọt là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Chính quyền huyện Phù Yên đã có những chính sách thiết thực để chăm sóc, bảo tồn khu rừng, nghiêm cấm hiện tượng chặt phá rừng. Để giữ rừng, huyện Phù Yên đã giao cho một đội kiểm lâm đóng chốt để bảo vệ. Sau này, công tác bảo vệ được khoán lại cho các nhóm hộ thuộc bản Nhọt 1 và Nhọt 2.


Người dân tham gia giữ rừng


Không chỉ có sự tham gia bảo vệ của chính quyền mà người dân sống quanh khu rừng vẫn truyền cho nhau lời kể của cha ông họ về lời dặn giữ rừng của Đại tướng. Vì thế trải qua hàng chục năm nay, bà con bảo vệ khu rừng bao quanh đèo Nhọt như bảo vệ sự sống của mình.

 

Ông Đinh Quyết Tiến giới thiệu về Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Ông Đinh Quyết Tiến, nguyên là Chủ tịch UBND xã Gia Phù, vì tình yêu và mong muốn bảo vệ rừng đã chuyển cả gia đình ra cửa rừng để giữ gìn khu rừng này. Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà đơn sơ, nép mình dưới những bóng cây cổ thụ, ông cho biết, từ năm 1996, nhận sự phân công của huyện, xã và sau này là lực lượng kiểm lâm, các hộ dân thuộc bản Nhọt 1 và Nhọt 2 đã nhận hợp đồng, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Rừng Đại tướng. Hiện nay, công tác bảo vệ Rừng Đại tướng được giao cho 2 tổ trông coi, mỗi tổ có 4 hộ dân.


Gắn bó với khu rừng đã 17 năm với bao kỷ niệm, ông Tiến chia sẻ: cứ một tuần 2 lần, chúng tôi thay phiên nhau đi tuần trong rừng để kiểm tra. Do rừng rộng nên những lần đi tuần thế cũng hết cả ngày, nhiều khi còn đi tuần trong đêm, khi cần thì ngủ lại trong rừng. Còn vào mùa khô, chúng tôi phải thường xuyên đi kiểm tra những nơi tiếp giáp với nương của người dân, vì đây là những vị trí có nguy cơ gây cháy cao và dễ lan sang khu rừng.


Tuy vất vả như vậy, nhưng những người có tấm lòng và mong muốn giữ rừng không nản chí. Đi dưới khu rừng rậm rạp bóng cây, ngắm nhìn những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi vẫn được giữ gìn mới thấu hiểu được công sức của hai tổ bảo vệ rừng nói riêng và người dân Phù Yên nói chung.


Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên cho biết, trong thời gian tới huyện sẽ đầu tư xây dựng khu tưởng niệm Đại tướng tại khu rừng này để tưởng nhớ công lao và giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc. Đồng thời tạo thành điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước, giới thiệu với bạn bè khắp mọi miền về một minh chứng sống, ghi nhớ về một đoàn quân anh hùng đã đi qua nơi đây, góp phần làm nên một chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.


Bài và ảnh: Lê Hữu Quyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN