Ví dụ đối với những giá trị thanh toán từ 500 triệu đồng trở lên thì phải sử dụng các hình thức bảo mật như: Sử dụng hạ tầng khóa công khai PKI hoặc hình thức xác thực sinh trắc học để đảm bảo an toàn.
Theo ông Hùng, về phía người sử dụng, khách hàng cần bảo mật thông tin tên, mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng điện tử, không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ đối tượng nào (kể cả nhân viên ngân hàng) qua điện thoại, email, mạng xã hội; bảo vệ điện thoại hoặc thiết bị di động của mình khi sử dụng các thiết bị này cho các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như: cài đặt phần mềm phòng chống mã độc hại; thiết lập tính năng xác thực khi truy cập (bằng mật mã hoặc vân tay…).
Đối với mật mã truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử cần cài đặt mật mã khó đoán, thay đổi mật mã thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật mã để đăng nhập tự động. Hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử; gõ trực tiếp địa chỉ các trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn đường link có sẵn. Khách hàng chỉ thực hiện đăng nhập trên website chính thức của các ngân hàng và mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, tin cậy.
Đề cập tới việc một số chuyên gia ngân hàng cho rằng, công nghệ OTP trong thanh toán điện tử là không an toàn, ông Hùng cho rằng: OTP là công nghệ sử dụng trong thanh toán trực tuyến và đang được sử dụng rất phổ biến trên thế giới vì các lợi ích mang lại từ nó như là triển khai dễ dàng, chi phí rẻ và thuận tiện khi sử dụng nhưng cũng có những hạn chế nhất định về mặt công nghệ.