Xã hội dần phát triển, mô hình đại gia đình dần vắng bóng, công năng giáo dục của gia đình cũng giảm xuống, sợi dây gắn kết giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo. Nhưng thật bất ngờ, ở chính những nước phát triển như Mỹ, Canađa và Ôxtrâylia, số lượng gia đình tam đại, tứ đại đồng đường lại tăng lên.
Gia đình là đơn vị cơ bản nhất trong kết cấu xã hội. |
Dù là ở phương Đông hay phương Tây, gia đình đều là đơn vị cơ bản nhất trong kết cấu xã hội, đảm nhiệm các chức năng như duy trì nòi giống, giáo dục và sản xuất... Hàng trăm năm nay, ở hầu hết các nước trên thế giới đã hình thành bố cục gia đình “một vợ một chồng”, trong đó nam giới giữ vai trò “ngoại tướng” (làm chủ ở bên ngoài xã hội), nữ giới giữ vai trò “nội tướng” (làm chủ bên trong gia đình). Tuy nhiên, trong mấy chục năm lại đây, nền tảng gia đình phải đối mặt với những thách thức rất lớn với sự xuất hiện của hàng loạt dạng thức gia đình phi truyền thống như gia đình đơn thân, gia đình đồng tính luyến ái, gia đình hợp chớp nhoáng tan chóng vánh, gia đình “rỗng ruột” (chỉ có bố mẹ già ở nhà, con cái đi nơi khác công tác, học tập) hay gia đình sống thử.
Không những vậy, câu chuyện nam làm ngoại tướng, nữ là nội tướng cũng xuất hiện biến chuyển mạnh mẽ. Ví dụ tại Mỹ, bắt đầu từ những năm 1920, hơn một nửa số trẻ em nước này trưởng thành trong cảnh cha lao động kiếm tiền, mẹ hoàn toàn ở nhà thu vén công việc gia đình. Tới những năm 1950, có 2/3 trẻ em Mỹ đã lớn lên trong môi trường như vậy. Nhưng cùng với sự gia tăng của đội ngũ lao động nữ, bước vào những năm 1980, mô hình gia đình nam làm ngoại tướng, nữ là nội tướng ở Mỹ đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 20%. Gần đây, người Mỹ thậm chí còn chấp nhận hiện tượng đàn ông làm việc nhà, phụ nữ đi kiếm tiền nuôi gia đình.
Trên thực tế, việc phụ nữ tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào thị trường lao động dẫn đến những thay đổi về vai trò hai giới trong gia đình là điểm sáng của gia đình hiện đại. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, lao động nữ ở nhiều nước đã trở thành cứu tinh của nền kinh tế. Ví dụ tại Nhật Bản, nếu tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới ngang bằng với nam giới (hiện là 62% so với 80%), giới chuyên gia nhận định nước này sẽ có thêm 8,2 triệu lao động nữa và giúp GDP tăng thêm 15%, tương đương 1.000 tỉ USD. Tuy nhiên, có một sự thay đổi khác trong gia đình khiến người ta không thể suy nghĩ, đó là sự đi xuống về công năng giáo dục, cố kết tình cảm của gia đình.
Trong xã hội truyền thống, gia đình không chỉ là mái ấm đi về, còn là nơi cha mẹ truyền thụ cho con cái những kiến thức và kĩ năng sống cơ bản, giáo dục những quy tắc hành vi trong xã hội cũng như các quan niệm giá trị. Vì thế, gia đình còn được coi là nền tảng cho sự phát triển lành mạnh của các thành viên. Nhưng cùng với áp lực mưu sinh và sự phát triển của Internet, nhất là sự xuất hiện của nhiều phương thức giao tiếp mới như Facebook, Twitter, QQ... tần suất và thời lượng trò chuyện, giao lưu giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là các gia đình ở thành phố, giảm xuống. Sợi dây liên kết giữa cha mẹ và con cái vì thế bị ảnh hưởng, trở nên lỏng lẻo và gia đình mất dần công năng khỏa lấp lỗ hổng kiến thức xã hội cho các thành viên.
Dẫu vậy, xã hội hiện đại không hoàn toàn là nhân tố tiêu cực đối với mô hình gia đình truyền thống. Trong xã hội truyền thống, tôn ti trật tự rất rõ ràng: Bề trên nói, bề dưới chỉ còn cách phục tùng, chồng nói thì vợ phải nghe lời hay con trai mới có quyền thừa kế tài sản. Nhưng trong gia đình hiện đại, vị trí của già trẻ, nam nữ trở nên bình đẳng hơn, các thành viên đều có quyền tự do phát biểu về các quyết sách trong gia đình. Bên cạnh đó, cha mẹ bắt đầu tôn trọng sự lựa chọn của con cái, vợ chồng đều có trách nhiệm gánh vác công việc gia đình.
Ở khía cạnh khác, khi xã hội phát triển, quy mô gia đình dần thu hẹp. Đã có một thời gian, người ta nhắc đến mô hình gia đình tam đại đồng đường (ba thế hệ sống chung một mái nhà), tứ đại đồng đường (bốn thế hệ sống chung một mái nhà) như một sự hoài niệm. Xã hội hiện đại mang tới nhiều cơ hội phát triển, nhưng lại đặt gia đình vào cảnh bị xé lẻ vì ai cũng muốn tìm đến chân trời mơ ước của mình. Do đó, người ta thật bất ngờ khi thấy trong giai đoạn từ 2009 - 2011, ở Mỹ có khoảng 4,3 triệu gia đình theo mô hình tam đại đồng đường hoặc từ tam đại đồng đường trở lên, chiếm 5,6% tổng số gia đình Mỹ, tăng mạnh so với mức 3,7% của năm 2000. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Canađa và Ôxtrâylia.
Có chuyên gia cho rằng kinh tế kém khởi sắc là nguyên nhân chủ yếu khiến các thành viên trong gia đình quần tụ lại để giảm chi phí sinh hoạt. Nhưng có điều không thể phủ nhận được là khi phải đối mặt với khó khăn, con người càng nhận thức rõ hơn về vai trò của gia đình. Nếu cần tìm một bờ vai nương tựa, sẻ chia thì dường như không đâu tin tưởng hơn người chung huyết thống, chung cội nguồn. Kinh tế đi xuống mang đến khó khăn, áp lực, nhưng nó cũng là tấm gương để các thành viên soi lại mình, từ đó nâng niu và trân trọng các giá trị gia đình hơn. Sự trở lại của những nếp xưa tốt đẹp trong gia đình càng giúp xã hội hiện đại phát triển bền vững hơn.
Hà Ngọc