Trẻ em dân tộc thiểu số làm quen với chữ cái. Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN |
Toàn tỉnh Kon Tum có trên 60% học sinh mẫu giáo là người dân tộc thiểu số. Để tăng cường dạy tiếng Việt trong lớp mẫu giáo, đội ngũ giáo viên phân loại khả năng tiếng Việt của từng trẻ để có phương pháp, nội dung tăng cường tiếng Việt phù hợp, thiết thực; lồng ghép việc tăng cường tiếng Việt vào các hoạt động giáo dục trong ngày.
Đặc biệt đối với trẻ dân tộc thiểu số 5-6 tuổi, đang hình thành và phát triển những kỹ năng nghe, nói, tiền học đọc, tiền học viết, sẽ được nhận dạng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt; tập tô, tập đồ các nét chữ, sao chép một số kí hiệu, chữ cái; cách cầm bút, để vở, tư thế ngồi viết… thông qua các hoạt động sinh hoạt, học tập, lao động, qua các buổi tham quan.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum quan tâm đầu tư đủ nguồn tài liệu, học liệu cho giáo viên và trẻ lứa tuổi mẫu giáo; tăng cường việc sử dụng đồ dùng trực quan thông qua những vật thật, tranh ảnh, phim, hình; sử dụng hiệu quả phương tiện hỗ trợ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết...
Ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết: Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xây dựng các câu lạc bộ đọc sách tại thôn, làng; giao lưu các hoạt động văn hóa, văn nghệ; tổ chức các trò chơi học tập; thi kể chuyện; tham gia ngày hội nói tiếng Việt; giao lưu tiếng Việt của các em; hướng dẫn cha mẹ của trẻ tạo dựng môi trường tiếng Việt tại nhà và tăng cường giao tiếp với trẻ; tổ chức cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi giao lưu với học sinh tiểu học; phối hợp với hội cha mẹ, già làng để sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian (truyện, thơ, câu đố, bài hát…) của đồng bào dân tộc thiểu số, đưa vào sử dụng trong công tác giáo dục tại lớp mẫu giáo; khuyến khích phụ huynh, các tổ chức đóng góp đồ dùng, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt địa phương để sử dụng trong hoạt động tập nói tiếng Việt.
Theo ông Nguyễn Hóa, sắp tới ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum sẽ kết hợp các nguồn kinh phí tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng các chuyên đề nâng cao năng lực cán bộ quản lí, giáo viên dạy trẻ em, học sinh người dân tộc thiểu số và đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ; tập trung dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số như ngôn ngữ thứ hai; phương pháp và cách dạy học phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số. Ngoài ra, ngành sẽ cấp phát tranh, in tài liệu tập nói Tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số; xây dựng mô hình điểm về tăng cường môi trường tiếng Việt trong trường mầm non, trường tiểu học có trẻ em người dân tộc thiểu số tại một số địa phương.
Kon Tum phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 20% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ được đến trường và 92% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường.