Mới đây, Ngân hàng Đông Á đã công bố biểu lãi suất huy động tiền đồng mới với bước tăng khá mạnh là 0,5%. Cụ thể: Lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng được điều chỉnh lên 5,2%; kỳ hạn 6 tháng lên 6%/năm (tăng 0,5%); kỳ hạn 9 tháng, 10 tháng, 11 tháng cũng tăng thêm 0,2% lên 6,2%/năm. Với mức điều chỉnh này, mức lãi suất huy động của ngân hàng này khá cao, hiện 7,2%/năm ở các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Trước đó, Ngân hàng Bản Việt cũng tăng lãi suất gửi tiền đồng thêm 0,2%/năm cho nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất mới lên 5,4% ở kỳ hạn 3 - 5 tháng,. Với tiền gửi online, kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng lĩnh lãi cuối kỳ, người gửi còn được cộng thêm 0,1% mỗi năm so với thông thường. Theo lý giải của một số ngân hàng, động thái tăng này chủ yếu nhằm cân đối lại nguồn vốn, tức thu hút vốn kỳ hạn dài nhiều hơn, phục vụ cho vay trung dài hạn.
TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho biết: Thanh khoản tiền đồng hiện vẫn ổn và việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng là việc đi trước đón đầu thị trường. Còn theo chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, mặt bằng lãi suất trên thị trường tài chính hiện có xu hướng gia tăng. Mặc dù chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng với những biến động trên thị trường tài chính thế giới và Việt Nam, các ngân hàng đang lo thanh khoản bằng cách tăng lãi suất huy động.
Hiện, các ngân hàng duy trì mức lãi suất cho vay ở lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6- 7%/năm đối với hợp đồng ngắn hạn, 9- 10%/năm đối với hợp đồng trung và dài hạn; đối với cho vay sản xuất kinh doanh bình thường lãi suất ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn và 9- 11%/năm đối với trung dài hạn.