Nhìn nhận vấn đề này, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho hay: Đây là con số cao nhất về tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm nay, cũng là mức cao nhất trong vòng 8 năm qua kể từ giai đoạn tín dụng tăng trưởng nóng năm 2009.
Từ ngày nay đến 20/7, khách hàng cá nhân vay vốn của chương trình “Đến SeABank - Kinh doanh phát tài” sẽ hưởng ưu đãi lãi suất vay ngắn hạn từ 8,9%/năm trong 2-3 tháng đầu. |
Kết thúc quý 1, tại các Đại hội cổ đông thường niên, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố về kết quả tăng trưởng tín dụng cao như Lienvietpostbank (11%), Ngân hàng Kiên Long (10,3%), Ngân hàng Sài Gòn (9%), ACB (8,3%). Còn ở khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước cũng đã tăng rất mạnh như Vietcombank (8,3%); VietinBank cũng tăng lên ngưỡng 4% so với đầu năm và dư nợ tín dụng ước đạt hơn 752.000 tỷ đồng. Còn BIDV đạt mức tăng tương đương hơn 4%.
“Tăng trưởng tín dụng cao là tín hiệu tích cực, thể hiện sự hấp thụ tốt nguồn vốn của nền kinh tế, tuy nhiên cũng làm dấy lên lo ngại về rủi ro xuất hiện bong bóng tín dụng, như những gì đã xảy ra giai đoạn năm 2009 khi tín dụng tăng trưởng nóng. Mặc dù vậy, nếu so với giai đoạn năm 2009, có thể đánh giá tín dụng ở giai đoạn hiện tại có chất lượng tốt hơn hẳn với tỷ trọng phần lớn được đưa vào lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp thay vì các lĩnh vực phi sản xuất như chứng khoán, bất động sản.
“Nhìn chung, tín dụng tăng trưởng ‘nóng’, tập trung vào các lĩnh vực phù hợp là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vấn đề này cần được giám sát và theo dõi chặt chẽ. Các cơ quan quản lý cần đảm bảo nguồn tín dụng hoạt động hiệu quả, chảy vào đúng nơi, đúng chỗ, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn không để bong bóng tài sản xảy ra,” các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt khuyến cáo.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, dòng chảy tín dụng vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với những lĩnh vực này chiếm khoảng 80%. Tín dụng đạt mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, là tín hiệu tích cực cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp tương đối tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn và lợi nhuận của các ngân hàng sẽ có cải thiện tích cực.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay: Thời gian qua, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ (chiếm khoảng 50% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 19%; tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Về tín dụng trung và dài hạn, hiện nay tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 53% tổng dư nợ tín dụng trong khi nguồn vốn huy động trung dài hạn toàn hệ thống tổ chức tín dụng chỉ chiếm khoảng 15% đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên để tạo nguồn vốn đầu tư, NHNN vẫn đang cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, trong khi lẽ ra vốn đầu tư trung dài hạn của doanh nghiệp phải được huy động từ thi trường vốn, thị trường chứng khoán; nhưng do các thị trường này chưa phát triển, vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn chủ yếu thực hiện qua hệ thống ngân hàng.
“Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, trong đó đặc biệt là các dự án hiệu quả, các doanh nghiệp, dự án đầu tư có chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cạnh tranh được trong khu vực và thị trường thế giới; các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách thức cấp tín dụng theo hướng có sự chọn lọc ưu tiên phân loại doanh nghiệp góp phần vào các chương trình tái cơ cấu sản xuất”, lãnh đạo NHNN nói.