Sau hơn nửa tháng thực hiện, việc triển khai tại các bệnh viện không gặp nhiều khó khăn còn người bệnh vẫn mong muốn được nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ của cơ sở và cán bộ y tế.
Chưa có phản ánh qua đường dây nóng
Thạc sỹ Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Sau hơn một tuần thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, việc triển khai tại bệnh viện diễn ra thuận lợi. Đến nay, đường dây nóng của Bệnh viện chưa tiếp nhận bất cứ cuộc gọi nào của người bệnh phản ánh về tăng giá dịch vụ y tế.
Ông Trịnh Ngọc Hải nhấn mạnh: Để triển khai Thông tư liên tịch số 37, Bệnh viện đã có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở hạ tầng, con người, trang thiết bị và công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là người có thẻ bảo hiểm y tế. Đúng ngày 1/3, bệnh viện bắt tay thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế theo đúng qui định của Thông thư 37. Theo đó, danh mục dịch vụ y tế được qui định tại Thông tư 37 cơ bản giải quyết được những bất cập trước đó. Giá dịch vụ tăng là để giúp bệnh viện có thêm khoản kinh phí nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người bệnh như: đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, đào tạo nâng cao chuyên môn cho các y, bác sỹ... Do đó có thể khẳng định rằng, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ đợt tăng giá dịch vụ lần này chính là người bệnh. Trong thời gian triển khai, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng thường xuyên liên hệ với bệnh viện, nắm bắt những vướng mắc của bệnh biện để có phương án khắc phục kịp thời.
Thành phố Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) là điểm sáng trong việc thu BHYT HSSV, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe và sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đã được Bệnh viện Nhi Trung ương chú trọng từ nhiều năm trước chứ không phải chờ đến tận đợt này. Bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ, kê tăng giường (từ 1.200 giường lên 1.500 giường bệnh); thậm chí tại một số khoa còn nhường phòng bác sỹ để kê thêm giường cho bệnh nhân. Đặc biệt, Bệnh viện Nhi không có tình trạng nằm ghép; với những trường hợp đặc biệt thì việc nằm ghép chỉ diễn ra trong khoảng từ 2 - 3 giờ đồng hồ, sau đó sẽ được thu xếp giường bệnh riêng. Đồng thời, để giảm quá tải, bệnh viện thường xuyên thực hiện đề án luân chuyển cán bộ (Đề án 1816) và Đề án bệnh viện vệ tinh. Với những bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch sẽ được chuyển về điều trị ở tuyến dưới nhằm giảm tải cho bệnh viện.
Bên cạnh đó, bệnh viện luôn chủ động truyền thông đến người nhà bệnh nhân về việc tăng giá dịch vụ y tế để họ hiểu đúng về tăng giá dịch vụ y tế và những lợi ích mà người có thẻ bảo hiểm y tế được hưởng; từ đó hợp tác với bệnh viện trong quá trình khám chữa bệnh.
PGS.TS. Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Để thực hiện Thông tư 37, lãnh đạo bệnh viện, các bác sỹ, cán bộ có liên quan đến công tác tài chính, thanh quyết toán cho người bệnh đã được tập huấn đầy đủ, kỹ càng sau đó phổ biến tại các khoa phòng. Nhờ vậy, sau khoảng gần 10 ngày thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, bệnh viện triển khai rất tốt. Đến nay, bệnh viện chưa nhận được ý kiến phản hồi nào của người bệnh thông qua đường dây nóng về việc tăng giá dịch vụ y tế. Trong quá trình triển khai, bệnh viện cũng gặp khó khăn do một số dịch vụ không nằm trong Thông tư 37. Bệnh viện đã tập hợp lại những dịch vụ này và đề xuất với Bộ Y tế hướng giải quyết .
Cùng với việc tăng viện phí, Bệnh viện tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; chất lượng chẩn đoán được nâng cao và thái độ tinh thần được cải thiện. Đồng thời, giảm tải là vấn đề ưu tiên hàng đầu của bệnh viện trong những năm gần đây. Với việc đưa cơ sở 2 tại Tân Triều vào hoạt động, bệnh viện đã tăng được số giường bệnh, giảm tình trạng nằm ghép của bệnh nhân. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển giao kỹ thuật cũng được triển khai tại nhiều bệnh viện tỉnh, giúp tuyến địa phương thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến trong khám chữa bệnh cho người dân.
Ông Trần Văn Thuấn đề xuất, thời gian tới để tiếp tục triển khai thuận quy định tăng giá dịch vụ y tế tại các bệnh viện thì công tác truyền thông là giải pháp đặc biệt quan trọng, giúp người dân hiểu rõ về vai trò, giá trị, ý nghĩa của việc tăng giá dịch vụ y tế. Đồng thời, các bệnh viện cần tiếp tục cải tiến về cơ sở hạ tầng, tin học; nhất là phối hợp chặt chẽ với bảo hiểm xã hội để thuận tiện cho người bệnh trong việc thanh toán viện phí. Các bệnh viện tiếp tục tập huấn cho cán bộ và phổ biến kiến thức đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện…
Mong muốn cải thiện chất lượng khám chữa bệnh
Đang điều trị tại bệnh viện K, chị Nguyễn Thị Tất (Bắc Ninh) cho biết: Chị bị ung thư vú và đã điều trị từ năm 2012 đến nay tốn khoảng 200 triệu đồng. Nếu không có bảo hiểm y tế thì chị đã không thể tiếp tục điều trị như hiện nay. Việc tăng giá dịch vụ y tế là cần thiết nhưng quan trọng là phải đi đôi với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, để người bệnh yên tâm chữa trị.
Chăm sóc bố đang điều trị ung thư tại Bệnh viện K, chị Lưu Thị Tuyết (Hải Dương) cho biết: Bố chị được bảo hiểm 100%. Nhờ vậy, ông được điều trị đúng theo phác đồ dành cho bệnh nhân ung thư, hiện sức khỏe ông đã được cải thiện hơn. Chị Tuyết cũng mong muốn việc tăng viện phí sẽ giúp những bệnh nhân nặng như bố chị không còn phải nằm ghép giường khi điều trị tại bệnh viện…
Chị Nguyễn Thị Mai (Thanh Hóa) đang chăm sóc con bị bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: Gia đình cũng đã nghe thông tin về việc tăng giá dịch vụ y tế. Chị cũng biết rõ đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tăng giá lần này chính là người có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh nói chung sẽ được quan tâm hơn nữa khi đến khám, điều trị tại bệnh viện. Với những người ở tỉnh xa, kinh tế gia đình khó khăn như chị Mai sẽ không có khả năng điều trị bệnh lâu dài nếu không có bảo hiểm y tế đồng chi trả với gia đình...