Giảm tiền chi trả thêm
Từ ngày 1/3/2016 việc điều chỉnh viện phí chính thức được thực hiện. Theo đó, có khoảng 1.887 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá áp dụng chung cho các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc; điều chỉnh giá khám bệnh, giá giường nằm theo các hạng bệnh viện. Cụ thể, giá dịch vụ khám bệnh sẽ từ 7.000 - 200.000 đồng (chưa bao gồm tiền lương) được tính từ 1/3; còn từ ngày 1/7, giá dịch vụ khám bệnh từ 29.000 - 200.000 đồng (gồm chi phí trực tiếp và tiền lương). Giá dịch vụ giường bệnh áp dụng từ 1/3 tại các bệnh viện từ 31.000 - 354.000 đồng (gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp thường trực); từ ngày 1/7, giá dịch vụ giường bệnh từ 108.000 - 677.000 đồng (gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp thường trực và tiền lương). Bên cạnh đó, giá một số dịch vụ cũng sẽ tăng mạnh, chẳng hạn như giá nội soi dịch vụ có sinh thiết từ 410.000 đồng tăng lên 525.000 đồng vào thời điểm 1/3 và 621.000 đồng vào thời điểm 1/7; giá nội soi ổ bụng cũng tăng lần lượt từ 575.000 đồng lên 4.000 đồng và 793.000 đồng từ ngày 1/3 và 1/7...
Các bệnh viện sẽ phải tự nâng cao chất lượng để thu hút bệnh nhân. |
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tại thành phố có 22 bệnh viện quận, huyện và 27 bệnh viện tuyến thành phố đang được Nhà nước bao cấp. Với những bệnh viện này, từ ngày 1/3 sẽ được tăng về phụ cấp, thu nhập tăng thêm và từ 1/7 sẽ được tăng thêm tiền lương theo lộ trình của từng tỉnh, thành. Còn đối với các bệnh viện tư và những bệnh viện công đang tự chủ tài chính, từ 1/3 sẽ được phép tính đúng, tính đủ về chi phí phụ cấp, chi phí trực tiếp, tiền lương. Danh mục giá do Liên bộ Tài chính - Y tế ban hành lần này cũng được áp dụng cho người bệnh có thẻ BHYT trên toàn quốc. Đối với người bệnh chưa có thẻ BHYT thì thực hiện theo giá thu của Hội đồng nhân dân của từng tỉnh, thành phê duyệt.
Đánh giá về mức độ ảnh hưởng đối với người bệnh trong việc tăng viện phí lần này, bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng người bệnh sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. “Người bệnh sẽ không phải chi trả thêm nhiều khoản so với mức giá trước đây. Chẳng hạn, trước đây chi phí cho phẫu thuật theo quy định của Nhà nước là 100.000 đồng, nhưng sử dụng cho người bệnh không phải chỉ là 100.000 đồng mà sẽ có thêm tiền phẫu thuật, tiền các y cụ, bông gạc... nên người bệnh phải chi trả thêm những chi phí đó. Còn với viện phí sắp tới thì những khoản tiền người bệnh chi trả thêm sẽ giảm đi”, bác sĩ Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Còn theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, khi giá dịch vụ y tế được tính đủ, bệnh viện sẽ không được ngân sách cấp kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, bắt đầu từ tháng 1/2016, người tham gia BHYT đã được mở rộng quyền chọn nơi khám chữa bệnh, với quyền lợi này của người bệnh, các bệnh viện phải tự nỗ lực tối đa nâng chất lượng khám chữa bệnh, phải thay đổi thái độ phục vụ. Những thay đổi đó tất cả đều hướng đến lợi ích và quyền lợi của người bệnh.
Theo các bác sĩ, việc tăng viện phí lần này là để tính đúng, tính đủ những chi phí điều trị; khuyến khích người dân tham gia BHYT. Bởi khi tham gia BHYT, cho dù giá dịch vụ y tế có điều chỉnh tăng cỡ nào thì người bệnh cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Riêng những người không tham gia BHYT chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Bệnh viện nâng cao chất lượng
Nhiều bác sĩ cho rằng, với việc tăng viện phí lần này, người bệnh sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, mà chủ yếu "khó" cho các bệnh viện. “Khi tăng viện phí cho bệnh nhân thì giai đoạn 1 chỉ mới tăng về phụ cấp, tới giai đoạn 2 tăng thêm phần lương. Đối với bệnh viện công, mỗi năm Nhà nước phải chi tiền thường xuyên cho bệnh viện bao gồm lương và một số khoản chi phí trực tiếp khác. Như vậy khi tiền lương được thu trực tiếp từ bệnh nhân thì Nhà nước sẽ cắt tiền lương bệnh viện, vì vậy bệnh viện sẽ mất đi một khoản. Trước đây, các bệnh viện nhỏ không cần làm gì hàng năm vẫn được Nhà nước rót xuống để trả lương, còn bây giờ các bệnh viện phải tự mình làm ra tiền để trả lương cho nhân viên. Những bệnh viện nào trước đây tốt sẽ là cơ hội cho họ phát triển tốt hơn, còn những bệnh viện chưa tốt sẽ buộc phải nâng cao chất lượng để tồn tại”, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Bệnh viện Xuyên Á, nhìn nhận.
Còn theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế không phải để tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế, mà là chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Khi giá dịch vụ y tế được tính đủ, bệnh viện không được ngân sách cấp kinh phí hoạt động do vậy bệnh viện muốn tồn tại và phát triển được thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, thái độ phục vụ, y đức, cải cách thủ tục hành chính… Điều này tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế tốt hơn.
Hiện để thu hút người bệnh, các bệnh viện nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm đem lại sự hài lòng cho người dân tốt nhất. Theo Bệnh viện quận Thủ Đức, trong những năm qua, bên cạnh trang bị máy móc và kỹ thuật chuyên sâu trong việc điều trị, bệnh viện còn thực hiện các giải pháp như tăng cường hệ thống công nghệ thông tin như ứng dụng bệnh án điện tử, triển khai thẻ từ khám chữa bệnh, cung cấp wifi miễn phí…; đồng thời tăng cường nhân lực làm giảm sự chờ đợi của người bệnh, hướng dẫn, phục vụ bệnh nhân...
“Trung bình một năm bệnh viện chi khoảng 20 tỷ đồng cho tiền phụ cấp và tiền trực của cán bộ y tế. Bệnh viện sẽ sử dụng nguồn tăng thêm trong đợt tăng viện phí lần này vào thực hiện các giải pháp đi kèm như đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin nhằm giảm bớt thủ tục hành chính; mua sắm trang thiết bị mới phục vụ cho người bệnh; tăng cường chi phí của bệnh viện như sửa sang phòng ốc, công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện; phòng máy lạnh... và tăng thu nhập cho cán bộ”, bác sĩ Nguyễn Trường Sơn cho biết.