Nhiều ý kiến cho rằng: năm 2014, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13% so với kế hoạch là 12 - 14%, không ít ngân hàng đã phải mua trái phiếu Chính phủ (TPCP), trái phiếu Kho bạc Nhà nước, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và một số chứng khoán nợ khác đang niêm yết. Đồng nghĩa với việc, nguồn vốn rót vào sản xuất, kinh doanh không nhiều.
“Kích” vay nhờ mua trái phiếu
Những tháng đầu năm 2014, khi dòng vốn cho vay của các ngân hàng rơi vào trạng thái ì ạch, không cho vay được thì các ngân hàng thương mại (NHTM) đã phải tính toán, tìm đến kênh TPCP. Mặc dù đi hết hơn nửa chặng đường của năm 2014 nhưng tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn ở mức rất thấp là 3,%. Vì vậy trong thời gian này, tổng số dư tự doanh và đầu tư chứng khoán của nhiều ngân hàng có tăng, nhưng chủ yếu dồn vào kênh trái phiếu, tín phiếu. Chẳng hạn, tại Vietinbank, tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm đạt gần 3,8% nhưng nếu chỉ tính mảng cho vay khách hàng, thì tín dụng của Vietinbank chỉ tăng 0,45%. Rõ ràng, Vietinbank đang tăng trưởng tín dụng chủ yếu dựa vào cấp bảo lãnh và đầu tư, mua trái phiếu. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng.
Hoàn thiện áo sơ mi xuất khẩu tại Công ty TNHH TAV, khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình). |
Một số chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ cho rằng: Việc các NHTM đổ xô mua TPCP thời gian qua và kể cả hiện nay là không lành mạnh, bởi vai trò của các NHTM là huy động nguồn vốn về phải đẩy mạnh cho vay và đưa vốn ra nền kinh tế, chứ không phải huy động để mua TPCP.
Tuy nhiên, TS.Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho rằng, khi không cho vay được, các NHTM phải tính toán và kênh TPCP vẫn được lựa chọn. Vốn không cho vay được nhưng ngân hàng vẫn phải trả lãi suất cho người gửi tiền, do đó, dù lãi suất TPCP giảm xuống còn 4 - 5% cho kỳ hạn 1 - 2 năm nhưng vẫn được các ngân hàng xem là một hướng ra cho đồng vốn. Việc mua trái phiếu của các ngân hàng cũng có quy định về định mức và các ngân hàng cũng có sự phân bổ rõ ràng trong chiến lược kinh doanh.
“Hiện tại, lượng TPCP mà các NHTM đang nắm giữ chỉ chiếm khoảng 7% tổng tài sản của cả hệ thống. Vì vậy, nếu năm 2015, kinh tế vĩ mô tiếp tục có xu hướng phát triển tốt thì dư địa để các NHTM tiếp tục đầu tư vào kênh TPCP vẫn còn lớn. Quan trọng nhất là chất lượng sử dụng của nguồn vốn trái phiếu do NHTM đầu tư sẽ như thế nào?”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đặt câu hỏi.
Đại diện Công ty Chứng khoán HSC cho rằng: Lo ngại về việc các NHTM mua nhiều TPCP sẽ dẫn tới việc thiếu vốn để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là không có cơ sở. Bởi vì đầu tư vào TPCP chỉ là quản lý thứ cấp, về thanh khoản, NHTM luôn ưu tiên vốn cho doanh nghiệp. Vấn đề là khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp. Theo HSC, thời gian qua, tín dụng dành cho doanh nghiệp chỉ tăng khoảng 2%, phần tăng mạnh là tín dụng tiêu dùng, nhưng khoản này tỷ trọng không lớn. Với bối cảnh kinh tế hiện tại, kỳ vọng tổng phát hành TPCP năm 2015 sẽ cao.
Vốn không vào sản xuất, tăng trưởng không ý nghĩa
Các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, hướng của tín dụng trong năm 2015 là tập trung vào nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng hơn là chạy theo quy mô, số lượng tăng tín dụng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Cần phải rút ra bài học từ việc tăng trưởng nóng của tín dụng trong những năm trước đây. Theo đó, nên tập trung vào hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng đối với từng bộ phận sử dụng vốn tín dụng, kể cả khu vực nhiều rủi ro như bất động sản, hay chứng khoán, giúp cho các doanh nghiệp có thể thay đổi công nghệ, tiếp cận công nghệ mới hay là tạo ra các sản phẩm hàng hóa mới, có sức cạnh tranh cao, tiếp cận với thị trường mới.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, tăng trưởng tín dụng 12 hay 14% sẽ không có nghĩa khi có đến 70% DNNVV không thể tiếp cận được vốn. Đề cập tới con số 70% doanh nghiệp của Hiệp hội DNNVV vẫn gặp khó khi tiếp cận vốn, ông Hiếu cho rằng: Do xuất phát từ nỗi lo của các ngân hàng khi các doanh nghiệp này không có tài sản đảm bảo vững chắc, chỉ đảm bảo nhà xưởng, hàng hóa nên rất rủi ro và có thể làm gia tăng nợ xấu, vốn là nỗi ám ảnh của ngân hàng.
Trước tình hình này, trong buổi tổng kết ngành mới đây của NHNN, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo năm 2015, dòng vốn sẽ tập trung mạnh vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt những lĩnh vực ưu tiên. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 13 - 15%.
Theo Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, Vụ Tín dụng đã chuẩn bị cho từng mục để bảo đảm tăng trưởng cho năm 2015 ổn định hơn và tốt hơn ngay từ quý I này. Theo đó, NHNN tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt những lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt NHNN đã trình Dự thảo thay thế Nghị định 41 khả năng sẽ được ban hành vào đầu năm 2015. Theo đó Nghị định mới này sẽ là động lực quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp, thành phần kinh tế cũng như người dân mở rộng sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, từ đó nhu cầu vốn đi liền với cung ứng vốn cho lĩnh vực này cũng sẽ là lớn nhất. Đối với nông nghiệp nông thôn, trên cơ sở Nghị định mới thay thế Nghị định 41 thì dự kiến tín dụng cho lĩnh vực này sẽ ở mức 15%.
Minh Phương - CTV