Thanh niên Gia Lai lập quỹ mua cồng chiêng

Thanh niên ở nhiều buôn làng của tỉnh Gia Lai đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả để lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc riêng của từng dân tộc.

Sinh hoạt cồng chiêng của người dân tộc Gia Rai huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Người Lao Động


Thanh niên làng Jun, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ thành lập quỹ để mua cồng chiêng bởi cồng chiêng của làng bị trộm cắp nên mất mát dần. Với thanh niên người Bana, không có cồng chiêng là điều xấu hổ mỗi khi đi giao lưu ở các làng khác. Vì thế, thanh niên trong làng tích cực tham gia các hoạt động gây quỹ do Chi đoàn phát động như làm cỏ mía, thu hoạch nông sản...

Bộ cồng chiêng đầu tiên mua được từ những đồng tiền đẫm mồ hôi của thanh niên trong làng, khiến nhiều người già…ưng cái bụng. Mỗi khi nghe phía nhà Rông vang lên tiếng chiêng vụng về của đám trai làng, người già đều đến xem và chỉ dạy thêm. Không chỉ thanh niên “say” chiêng, nhiều đứa trẻ cũng háo hức với việc tập luyện. Một bộ chiêng dường như quá ít khi ngày càng nhiều đứa trẻ giành chiêng tập luyện. Vậy là bộ chiêng thứ hai được đưa về cũng từ hoạt động gây quỹ của thanh niên trong làng.

Ở nhiều xã, nhà Rông truyền thống cũng dần được khôi phục bằng sức người, sức của từ thanh, thiếu niên. Việc thanh niên góp sức người, sức của làm nhà Rông không còn là chuyện hiếm ở các xã Ya Ma, Yang Nam, Sơ Ró, An Trung, Kông Yang và thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro).

Cách đây nhiều năm, khi xã Yang Nam chuẩn bị làm nhà Rông, không có tiền để đóng góp, trong gần nửa năm, không kể nắng mưa, đoàn viên thanh niên phân công nhau vào rừng kiếm nguyên vật liệu. “Đến lúc chuẩn bị dựng nhà, chúng tôi phải tìm già làng uy tín nhờ cậy vì muốn dựng một ngôi nhà Rông đúng kiểu truyền thống” - Bí thư Đoàn xã Yang Nam - anh Siu Drênh kể.

Ngôi nhà Rông không lớn nhưng không lúc nào ngơi bước chân lũ trẻ. Siu Drênh tự hào khi chính nơi này, những giá trị về văn hóa truyền thống được thế hệ trẻ của xã phát huy. Nhiều thanh niên còn thường xuyên lên nhà rông đan lát, học đánh cồng chiêng, hát dân ca.

Các buôn làng ở huyện Chư Pah, Đak Pơ, Kbang…ngày càng nhiều công trình nhà Rông mang đậm dấu ấn thanh niên. Đặc biệt, năm 2012, công trình nhà Rông ở làng Hven của tuổi trẻ huyện Đak Pơ được chọn là một trong những công trình thanh niên tiêu biểu của tỉnh.


Quang Thái
Điểm sáng trong bảo tồn văn hóa cồng chiêng
Điểm sáng trong bảo tồn văn hóa cồng chiêng

Việc gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “sứ mệnh” được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đặc biệt, từ khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công tác tuyên truyền...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN