Thay đổi quy định về thanh toán không dùng tiền mặt

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đó, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là tổ chức không phải là ngân hàng, được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Chủ tài khoản thanh toán (chủ tài khoản) là cá nhân đứng tên mở tài khoản đối với tài khoản của cá nhân hoặc là tổ chức mở tài khoản đối với tài khoản của tổ chức.

Ảnh minh họa.

Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (phương tiện thanh toán) bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1.

Theo Nghị định, các hành vi bị cấm gồm: Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán; mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp. Nghị định cũng sửa đổi quy định về việc mở tài khoản thanh toán cho cá nhân và tổ chức không phải là tổ chức tín dụng.


Theo đó, người mở tài khoản thanh toán là cá nhân phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự; người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Người chưa đủ 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật.

Về phong tỏa tài khoản thanh toán, Nghị định 80/2016/NĐ-CP quy định: Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền thì tài khoản thanh toán bị phong tỏa. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót. Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về dịch vụ thanh toán; các dịch vụ trung gian thanh toán và điều kiện cung ứng dịch vụ này; quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, thu hồi và cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

TTXVN/Tin Tức
Thanh toán điện tử đóng góp 880 triệu USD cho GDP Việt Nam
Thanh toán điện tử đóng góp 880 triệu USD cho GDP Việt Nam

Theo nghiên cứu phân tích do Moody’s thực hiện, việc gia tăng sử dụng các sản phẩm thanh toán điện tử (TTĐT) như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ trả trước đóng góp 880 triệu USD vào tổng giá trị GDP của Việt Nam trong giai đoạn từ 2011 - 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN