Kết thúc hội nghị của Hội đồng Phối hợp quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển (MAB) tại thủ đô Paris (Pari) của Pháp, ngày 12/7, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận thêm 20 khu dự trữ sinh quyển mới trên thế giới, nâng số khu dự trữ sinh quyển toàn cầu được tổ chức này công nhận lên 599 khu ở 117 nước.
Khu dự trữ sinh quyển Wakatobi của Indonesia. Nguồn: Internet. |
Nổi bật trong 20 khu dự trữ sinh quyển mới được bổ sung vào Mạng lưới các khu sinh quyển toàn cầu là khu dự trữ sinh quyển West Polesie ở khu vực biên giới chung giữa các nước Belarus (Bêlarút), Ba Lan và Ucrraina; 4 đảo hợp thành khu dự trữ sinh quyển Wakatobi của Indonesia, khu dự trữ sinh quyển Ferlo của Xênêgan đang bị hạn hán đe dọa do hoạt động của con người. Ba nước lần đầu tiên có khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận là Haiti, Kazakhstan (Cadắcxtan), Xaotômê và Prinxipê. Bốn khu dự trữ sinh quyển được mở rộng là các khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận trước đây ở Chile (Chilê), Pháp và 2 khu ở Tây Ban Nha.
Các khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận là các khu được cộng đồng địa phương tham gia tích cực vào việc quản trị và quản lý, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và giám sát nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học. Các khu dự trữ sinh quyển này cũng là nơi thử nghiệm các đường lối khác nhau về quản lý hòa nhập về lãnh thổ, nguồn nước, các nguồn tài nguyên ven biển và biển cũng như đa dạng sinh học đồng thời cũng thử nghiệm và tìm kiếm tri thức về phát triển bền vững.