Thêm hai chính đảng ở Ai Cập rút khỏi Hội đồng Lập hiến

Ngày 18/11, trong làn sóng tẩy chay Hội đồng Lập hiến tại Ai Cập, đã có thêm hai chính đảng tuyên bố rút lui khỏi hội đồng này nhằm phản đối phe Hồi giáo chi phối tiến trình soạn thảo Hiến pháp mới của quốc gia Trung Đông này.

 

Trong một tuyên bố, Liên minh Xã hội chủ nghĩa Nhân dân (SPA) cáo buộc bản dự thảo hiến pháp hiện nay, do Hội đồng Lập hiến soạn thảo, là một công cụ nhằm chống lại cuộc cách mạng ngày 25 tháng Giêng, khôi phục lại tình trạng áp bức và bóp nghẹt các quyền tự do của công dân. Bên cạnh đó, SPA cũng đưa ra các đề xuất riêng theo hướng sửa đổi và bổ sung các điều khoản liên quan đến các vấn đề tôn giáo, thực hiện các thỏa thuận quốc tế, quyền tự do lập hội và cân bằng quyền lực.

 

Cùng ngày, Phong trào thanh niên "Mùng 6 tháng Tư", một trong những lực lượng chính tham gia phong trào biểu tình lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak và phản đối chính quyền quân sự vào đầu năm 2011, đã thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Lập hiến theo một thỏa thuận với các lực lượng dân sự khác. Trước đó, vào ngày 15/11, đại diện của phong trào này cùng với 30 thành viên khác của Hội đồng Lập hiến đã đe dọa rút lui hoàn toàn khỏi tiến trình soạn thảo hiến pháp trong vòng 48 giờ nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng. Một trong những yêu cầu của họ là kéo dài thời gian soạn thảo hiến pháp thêm 3 tháng thay vì kết thúc vào ngày 12/12 tới như kế hoạch.

 

Ngày 17/11, đảng Tự do Wafd, chính đảng có lịch sử lâu đời nhất tại Ai Cập, và các đại diện của Nhà thờ Cơ đốc giáo, một nhánh chính của những người Cơ đốc giáo ở Ai Cập, đã quyết định rút khỏi Hội đồng Lập hiến với lý do dự thảo hiến pháp "không tạo ra một liên minh dân tộc cũng như không phản ánh tính đa dạng của Ai Cập", đồng thời đi ngược lại mục đích của cuộc cách mạng ngày 25 tháng Giêng. Theo nhận định của các chuyên gia, các động thái liên tiếp này có thể khiến tiến trình soạn thảo hiến pháp bị đình trệ.

 

Đến nay, Ai Cập đã phải hai lần thành lập hội đồng lập hiến để soạn thảo hiến pháp mới sau làn sóng chính biến tại nước này hồi năm 2011. Hội đồng thứ nhất, gồm 100 thành viên, được Quốc hội bầu ra hồi tháng 3 song đã bị giải tán sau một quyết định của Tòa án Hành chính Tối cao với lý do không mang tính đại diện cho xã hội Ai Cập. Trong khi đó, hội đồng hiện nay được thành lập ngày 12/6 cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị giải thể do các thành viên của cơ quan này được Quốc hội bầu chọn, song Quốc hội đã bị giải tán theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp tối cao vào giữa tháng 6 vừa qua.

 

 

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN