Mong chờ luồng gió mới TTCK Việt Nam năm 2015 khép lại với VN-Index đạt 579,03 điểm, tăng 5,5% so với đầu năm. Huy động vốn qua TTCK đạt gần 290.000 tỷ đồng, chiếm 28% tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội. Mặc dù trung bình thanh khoản trong năm chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng/phiên, sụt giảm 19,2% so với năm trước nhưng vốn hóa thị trường đạt hơn 1,14 triệu tỷ đồng, tăng 14,35% so với năm 2014. Điểm đóng cửa này không được như kỳ vọng của nhà đầu tư nhưng các chuyên gia đánh giá xu hướng VN - Index vẫn chuyển biến tích cực.
Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2016. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
Ông Huỳnh Anh Tuấn,Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán SJC, cho rằng đạt được kết quả này là nhờ trong năm 2015, nền kinh tế vĩ mô được hồi phục khá ấn tượng, thêm vào đó lạm phát cũng được kìm tương đối thấp so với những năm trước nên nhà đầu tư (NĐT) cũng an tâm hơn khi tham gia TTCK. Bên cạnh đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định 60 về mở room cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), đặc biệt mở room 100% cho những doanh nghiệp (DN) niêm yết, không thuộc những ngành nghề, kinh doanh có điều kiện, gây ấn tượng với NĐTNN.
Nhìn nhận về sự ấn tượng của TTCK trong năm qua, Phó TGĐ thường trực Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) - ông Lê Hải Trà, cho biết đã có nhiều tổ chức, NĐTNN đến từ các nước tìm hiểu về TTCK Việt Nam. Đặc biệt, các NĐT cá nhân đến từ Thái Lan đã đánh giá Việt Nam là một TTCK "không thể bỏ qua". Điều này cho thấy, năm 2016 TTCK Việt Nam sẽ có cơ hội đón thêm nhiều NĐTNN mới, nhất là khi việc liên kết thị trường vốn trong tương lai được triển khai.
Hiện nay, HoSE vẫn là một đối tác trong ASEAN6, ngoài ra còn có AEC. Theo đó, các hoạt động hợp tác của HoSE sẽ càng được tăng cường hơn trong thời gian tới. “Để thực hiện được liên kết thị trường vốn, ngoài vấn đề về mặt kết nối kỹ thuật, cần một khuôn khổ pháp lý vững chắc, một khung quản lý liên quan tới thị trường. Hiện tại, Việt Nam đang áp dụng cơ chế kiểm soát vốn, quản lý ngoại hối, đây là việc cần giải quyết khi tham gia vào liên kết thị trường vốn trong thời gian tới”, ông Lê Hải Trà chia sẻ thêm.
Không chỉ thế, năm 2016 TTCK việt Nam sẽ có thêm nguồn hàng mới để các NĐT thêm nhiều lựa chọn thông qua thị trường chứng khoán phái sinh. Ông Lê Hải Trà cho hay, hiện thị trường chứng khoán phái sinh vẫn đang trong quá trình xây dựng hoàn thành và dự kiến được áp dụng trong năm 2016. Ngoài ra, việc Chính phủ cho phép bán cổ phần dưới dạng bán lô lớn trong năm 2015 đã gây hiệu ứng tích cực cho TTCK. Điển hình là việc bán đấu giá cổ phần của Tổng công ty Hàng không Việt Nam cuối năm 2015 đã thu hút rất nhiều NĐT trong và ngoài nước. Chuyên gia chứng khoán Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, điều này sẽ tạo một bước đột phá trong năm 2016 và đẩy nhanh việc thoái vốn cổ phần hóa của các DN nhà nước.
Vẫn còn nhiều thách thứcCũng theo chuyên gia chứng khoán Huỳnh Anh Tuấn, trong 2015 có một thông điệp khá ấn tượng nhưng đến cuối năm vẫn chưa thực hiện được là Chính phủ đồng ý cho SCIC thoái vốn 10 DN nhà nước. 10 DN này hoạt động tăng trưởng 10 - 20% trong các năm và quy mô thoái vốn gần 3 tỷ USD. “Nhưng rất tiếc, trong giai đoạn dài như thế chúng ta vẫn chưa tìm được nhà đầu tư nào đáp ứng đầy đủ các điều kiện để mua cổ phần các DN này”, ông Tuấn nói. Trong khi đó, nhiều hiệp định Việt Nam kí kết với các nước đã có hiệu lực, và sắp tới là Hiệp định TPP, có thể nói, Việt Nam là nước ký nhiều hiệp định nhất trên thế giới, khiến các DN bị “bội thực” bởi các hiệp định. Thế nhưng, theo ông Tuấn, các hiệp định này vẫn chưa truyền đủ lửa để các DN chuẩn bị tái cơ cấu, cấu trúc phù hợp để tham gia các hiệp định mà Việt Nam phải cam kết.
Còn ông Nguyễn Việt Đức, Chuyên gia chiến lược thị trường cao cấp CTCK MB (MBS), thì cho rằng năm 2016, dòng vốn ngoại sẽ chảy chậm trong thời gian đầu năm. Nguyên do cuối năm 2015, sau khi FED tăng lãi suất USD đã khiến các NĐT quốc tế phải cơ cấu và phân bổ lại dòng tiền vì lo ngại về sức ép điều chỉnh tỷ giá. Điều này đã ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài cả năm 2015 mới đạt khoảng 98 triệu USD, thấp hơn khá nhiều so với các năm trước. “Theo dõi biểu đồ hút ròng vốn đầu tư gián tiếp của NĐT nước ngoài từ 2007 tới nay, xu hướng hút ròng của thị trường Việt Nam tương đối yếu.
Điều này do nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng lệch pha so với thế giới và do TTCK nhỏ với quy mô vốn hóa chỉ khoảng 57 tỷ USD (bằng 1/3 so với Philippines là nước có quy mô GDP tương đương trong khu vực)”, ông Đức phân tích. Tuy nhiên, ông Đức cũng kì vọng sau quý I/2016, dòng vốn ngoại sẽ tích cực hơn sau khi vấn đề tỷ giá có một định hướng rõ ràng từ cơ quan quản lý. Các vấn đề về mở room cho các công ty niêm yết cũng như IPO và niêm yết các công ty hàng đầu như Mobifone, VietjetAir... sẽ thu hút sự chú ý của NĐT nước ngoài.
Nhiều chuyên gia chứng khoán khác thì khuyến nghị, NĐT trong nước nên tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp trong ngành cảng biển, khu công nghiệp, dệt may (được hưởng lợi từ việc gia nhập các hiệp định thương mại và đầu tư FDI), bất động sản, ngân hàng... Bởi theo ông Tuấn, hầu như các hiệp định đều xoay quanh một số ngành nghề trên, đặc biệt là các dịch vụ logistic. Tuy nhiên, trong năm 2015 các DN này chưa phát huy được ác dụng nên kì vọng năm 2016, các DN chuẩn bị đủ thời gian để có thể nắm bắt kịp các hiệp định và cơ hội. “Khả năng trong năm 2016, những DN nằm trong nhóm ngành nghề này sẽ có kết quả kinh doanh vượt bậc, và tất nhiên giá cổ phiếu cũng sẽ tăng trưởng theo kết quả lợi nhuận của các DN”, ông Tuấn nhận định.
Dù vậy, vẫn có một nhóm ngành vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng trong năm 2016, cụ thể là dầu khí. Hiện nay, sau khi giá dầu giảm nhiều đã dẫn đến thâm hụt ngân sách Việt Nam ở mức cao. Điều này đã ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu ngành dầu khí cũng bị sụt giảm trong thời gian qua đến khoảng 70%. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, giá của nhóm cổ phiếu này đang trong quá trình tạo đáy và dự đoán kết thúc quý I/2016, nhóm ngành này sẽ trở lại chu kì tăng trưởng mới.
Ngoài ra, trong 2016, nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực lớn từ xử lý nợ xấu và chỉ tiêu của NHNN đã đưa ra, tất cả các ngân hàng phải xử lý nợ xấu đạt dưới 3% và cuối năm 2015, cơ bản các ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch. Trên thực tế, để đạt được tỷ lệ dưới 3% nợ xấu, các NH phải trích lập dự phòng rất nhiều và vì thế việc trích phòng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. “Nhưng kết thúc năm 2015, nhìn vào tổng quan chung của ngân hàng thì tôi thấy lợi nhuận của các ngân hàng khá khả quan. Nếu như đưa ra một giả định các NH sẽ kiểm soát các nợ xấu thì năm 2016 sẽ là nền tảng để các ngân hàng thực hiện và cổ phiếu ngành NH sẽ tăng trưởng trở lại. Nhìn vào kế hoạch tín dụng của các NH năm 2016 là 18 - 20% cho thấy, với mức tăng trưởng tín dụng này thì cổ phiếu ngân hàng sẽ là điểm sáng trong năm 2016”, ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết.
Nhiều chuyên gia chứng khoán cũng nhận định, năm 2016, TTCK sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, dòng vốn có thể chảy sang một số kênh đầu tư an toàn hơn như vàng và trái phiếu. Trong khi đó, các ẩn số về biến động tỷ giá, lãi suất cũng như diễn biến từ thị trường thế giới sẽ có những tác động không nhỏ lên thị trường chứng khoán Việt. Tuy vậy, các chuyên gia cũng kỳ vọng thời điểm cuối năm 2016 sẽ là thời điểm mà chỉ số VN - Index có thể bứt phá qua đường cận trên tại vùng 640 điểm để hình thành xu thế tăng mới tích cực hơn với sự phản ánh rõ ràng hơn những chuyển biến tích cực của nền kinh tế nói chung và của hệ thống doanh nghiệp nói riêng.