Đến làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, hỏi địa chỉ nhà chị Y Lan, cô đỡ thôn bản, nhóm trẻ con đang nô đùa trước sân nhà rông đồng thanh nói “nhà mẹ Lan ở đằng kia kìa”.
Chị Y Thuốt (giữa, hàng sau), cô đỡ thôn bản làng Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, hạnh phúc bên những đứa trẻ do chính tay mình đỡ. |
Căn nhà ván nhỏ ấm lên khi lũ trẻ ùa vào ôm chầm lấy “mẹ Lan” ríu rít. Ôm một đứa trẻ trong lòng, chị Y Lan tâm sự với chúng tôi về những vui buồn của nghề cô đỡ thôn bản tại vùng đất xa nhất trung tâm tỉnh Kon Tum này.
Tham gia lớp đào tạo cô đỡ thôn bản tại tỉnh Kon Tum vào năm 2008-2009. Đầu năm 2010, chị được nhận về Trạm y tế xã Mường Hoong rồi được phân về quản lý địa bàn làng Mới với nhiệm vụ cô đỡ thôn bản kiêm cán bộ dân số. Thương chị em sống nơi rừng thiêng, nước độc, điều kiện kinh tế còn quá khó khăn, chị Lan miệt mài trên những chặng đường đến với sản phụ chẳng kể nắng mưa, chỉ mong sao ca đỡ thành công, “mẹ tròn con vuông”.
Hơn 7 năm trong nghề, chị đã có hàng chục đứa con “đỡ đầu”. Chị Y Lan nhớ như in buổi tối về thăm nhà năm 2009, khi chưa học xong khóa đào tạo cô đỡ thôn bản, chị dâu Y Hồng chuyển dạ nhưng do nhà cách làng khoảng 30 phút đi bộ đường rừng, không kịp đến trạm xá, anh trai giao phó sinh mạng hai mẹ con cho chị. Lóng ngóng và không tự tin khi chưa hoàn thành khóa học cô đỡ thôn bản, nhưng với trái tim yêu thương, chị đem hết kiến thức đã được học ra để thực hành, hướng dẫn cách đi lại, cách rặn… và kết quả mẹ tròn con vuông.
Chị Y Lan tâm sự, chị rất vui vì những kiến thức đã học được vận dung vào cuộc sống, giúp đỡ phụ nữ vùng sâu, vùng xa.
Mặc dù tận tình đến tận nơi để giúp các sản phụ có những ca vượt cạn thành công, nhưng chị Y Lan luôn tuyên truyền, hướng chị em không nên sinh con tại nhà, đề phòng những trường hợp bất trắc có thể xảy. Điển hình là trường hợp ca sinh đôi cách nhà chị khoảng 8 km. Tiên đoán xấu cho ca sinh đôi, chị khuyên gia đình nên đưa sản phụ lên trạm xá, bệnh viện tuyến trên. Vì điều kiện quá khó khăn và xa xôi, không đưa được sản phụ đến bệnh viện nên hai đứa trẻ đã chết sau một tháng chào đời. Kỷ niệm buồn ấy đeo đẳng và cũng là dấu ấn để chị cố gắng hơn trong nghề.
Tại xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhận thức hạn chế nên nhiều sản phụ xấu hổ không đến trạm xá sinh con, không ít trường hợp gặp các tai biến như uốn ván, băng huyết…
Chị Y Phương, đã có thâm niên 12 năm làm công việc đỡ đẻ ở xã Đăk Pne. Suốt những năm qua, không quản nắng mưa, đường sá xa xôi, cứ có người gọi là chị lại chuẩn bị dụng cụ lên đường.
Chị Y Phương nhớ lại trường hợp ở thôn 4, vì đường trơn, bùn lầy, xe không đi được nên chị phải đi bộ. Đi được nửa đường chị gặp bà con cõng sản phụ ra. Đúng lúc đó, sản phụ trở dạ, chị phải đỡ ngay trên đường đi. Ca đỡ thành công, người nào cũng lấm lem bùn đất, duy chỉ có đứa bé và sản phụ được bảo vệ khô ráo, sạch sẽ chuyển về nhà trong niềm vui của cả gia đình.
Chị Y Thuốt, làng Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, cũng đã gắn bó hơn 10 năm trong nghề cô đỡ. Mặc dù điều kiện tại đây khá hơn những vùng sâu, vùng xa, nhưng bà con vẫn có tập quán sinh tại nhà.
Không có thời gian rảnh rỗi bởi chị Y Thuốt luôn sẵn sàng chuẩn bị cho những ca sinh khó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đôi lúc chồng can ngăn, chị đã có ý định từ bỏ công việc này nhưng rồi thương chị em, chị lại tiếp tục theo nghề.
Không lương, không phụ cấp cho nghề cô đỡ thôn bản, nhưng với các chị niềm hạnh phúc là được nghe tiếng khóc chào đời của những sinh linh bé nhỏ và nụ cười của sản phụ… Cứ thế những cô đỡ thôn bản chẳng ngần ngại băng núi, vượt rừng làm thiên thần hộ mệnh cho sản phụ vùng sâu, vùng xa.