Theo tờ "Chính trị Thế giới", từ 16/9 này, Afghanistan sẽ bắt đầu tiến trình đăng ký ứng cử viên tham gia chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống, sẽ diễn ra vào mùa xuân 2014. Cuộc bầu cử này trùng với thời điểm NATO rút khỏi quốc gia này, báo hiệu tương lai không hề sáng sủa đối với một đất nước bị xâu xé trong tình trạng bạo loạn do Taliban gây ra.
Kịch bản nào?
Giới quan sát đều có chung nhận định rằng, thật khó dự đoán các kịch bản trong tương lai của đất nước đã trải qua 12 năm bạo lực triền miên này bất chấp sự có mặt của các lực lượng NATO, do Mỹ đứng đầu. Chỉ biết rằng năm 2014 sẽ đánh dấu một bước ngoặt có tính quyết định đối với “nghĩa địa Afghanistan” (cả đối với người bản xứ, lẫn lính chiến NATO) với 2 sự kiện lớn: Bầu cử tổng thống vào tháng 4 và quân đội nước ngoài rút khỏi nước này vào cuối năm.
Nhân viên an ninh điều tra tại hiện trường vụ đánh bom do Taliban tiến hành ngày 13/9/2013 gần lãnh sự quán Mỹ ở tỉnh Herat, miền tây Afghanistan. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Bất chấp bầu không khí trĩu nặng những mối đe dọa vào thời điểm hiện tại, chính quyền Afghanistan vẫn bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử, để tìm ra người kế tục ông Hamid Karzai, người đã có hai nhiệm kỳ liên tiếp ngồi trên “ghế nóng” tổng thống. Từ ngày 16/9 đến 6/10, các ứng cử viên sẽ nộp hồ sơ lên ủy ban bầu cử.
Không che giấu ý muốn cầm quyền, những người lãnh đạo của phe đối lập, bao gồm cả những đối thủ chính của ông Karzai trong cuộc bầu cử lần trước, là Abdullah Abdullah, cựu “thủ lĩnh chiến tranh” trở thành tỉnh trưởng tỉnh chiến lược miền bắc Balkh, và “lãnh chúa chiến tranh” Abdul Rashid Dostum, đã thành lập một liên minh. Nhóm này, mang tên “Liên minh bầu cử Afghanistan”, gồm người Tajik, người Uzbek và người Hazaras, nhưng nhận được ít sự ủng hộ của người Pashtun, sắc tộc đông nhất đất nước.
Hiện tại, dư luận trong và ngoài Afghanistan đang sợ nhất kịch bản: Nếu một “lãnh chúa chiến tranh” thắng cử, thì Afghanistan rất có thể sẽ bị nhấn chìm trong tình trạng vô chính phủ bởi vì những nhân vật này có đội dân quân riêng và quân đội Afghanistan sẽ không dễ gì khuất phục được họ. Còn một vấn đề nữa: Các “lãnh chúa chiến tranh” này phản đối mọi sự hòa giải với Taliban, và điều đó đương nhiên sẽ tiềm ẩn vô vàn bất trắc cho tương lai của đất nước này.
Bài toán khó?
Trong hơn một thập niên, các lực lượng nước ngoài đã mất rất nhiều công sức, tiền của và cả những mạng sống nữa để trấn áp quân phiến loạn ở Afghanistan, nhưng trớ trêu thay, quân phiến loạn lại ngày càng trở nên có tổ chức và được tăng cường sức mạnh hơn. Những vụ bạo lực mới đây do chúng tiến hành trước thềm những sự kiện lớn tại đất nước này, được nhìn nhận mới chỉ là “vài giọt mưa bay”, báo hiệu một trận mưa lớn. Bị đánh đuổi khỏi quyền lực hồi năm 2001, Taliban đã chứng tỏ được lực lượng lớn mạnh chưa từng thấy trong thời gian qua, và chúng đã nhiều lần cảnh báo rằng tương lai của Afghanistan sẽ là thảm họa sau khi quân nước ngoài rút khỏi nước này.
Thời gian gần đây, máu thấm đẫm ở mọi nơi trên lãnh thổ Afghanistan, báo hiệu không có gì tốt đẹp đối với tiến trình bầu cử. Quân phiến loạn bác bỏ cuộc bầu cử và coi đó là việc làm “mất thời gian”, và khẳng định sẽ không công nhận tổng thống tương lai. Tình trạng bùng phát bạo lực này được xem là hành động nhất cử lưỡng tiện: Đe dọa cuộc bầu cử và bóp nghẹt mọi hy vọng hòa bình.
Dù ai trúng cử thì tân tổng thống cũng sẽ phải có nhiệm vụ rất nặng nề là thiết lập nền hòa bình tại một đất nước không có quân đội hùng mạnh, không có sự kết hợp chặt chẽ về dân tộc và tôn giáo, nghĩa là không có sức mạnh dân tộc, lại cũng chẳng được sự ủng hộ của quốc tế, nhất là sau 2014. Và đấy là bài toán quá khó cho tương lai của đất nước này.phạm phú phúc