Bà Thị Hường ở ấp Tràm Trỗi, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành vay vốn nuôi bò vỗ béo. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Công tác phát triển nguồn lực trong đồng bào dân tộc Khmer được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, nên tỷ lệ huy động học sinh dân tộc trong độ tuổi đến trường luôn duy trì ở mức khá cao (97% trở lên). Vào dịp hè, các chùa Khmer tổ chức 290 lớp dạy chữ Khmer cho gần 7.000 sư sãi và con em đồng bào theo học. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề cho thanh niên dân tộc cũng được chú trọng. Từ năm 2011 đến tháng 6/2016, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 15.000 thanh niên, với kinh phí hàng chục tỷ đồng; mở hơn 1.000 lớp tập huấn kỹ thuật khuyến nông, khuyến ngư cho hơn 33.000 lượt nông dân, với kinh phí hơn 3 tỷ đồng.
Các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn Kiên Giang cũng được giữ gìn và phát huy. Các chùa Khmer được tạo điều kiện trùng tu, sửa chữa khang trang. Nhiều chùa có công trong kháng chiến, nay gặp khó khăn, được ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ kinh phí. Các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer được duy trì tổ chức khá tốt. Đặc biệt, lễ hội Óc - Om - Bóc được tổ chức hàng năm ở huyện Gò Quao và đã nâng lên thành “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh”.
Đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn Kiên Giang còn tích cực tham gia vào các tổ chức đoàn thể, hội quần chúng; trong đó, Kiên Giang đã phát huy được việc chọn gần 300 người có uy tín trong đồng bào dân tộc để truyền đạt những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân, qua đó cùng nhau phấn đấu vươn lên thoát nghèo.