Việc thu ngân sách của Tiền Giang gặp nhiều thuận lợi bởi chỉ số sản xuất nông nghiệp tăng 15,1%, kim ngạch xuất khẩu tăng 18,2%, tăng 16,5% số doanh nghiệp mới được thành lập, tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương tăng 8,5%...
Ngoài ra, cơ chế chính sách cũng góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy thu ngân sách, điển hình như việc tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện hóa đơn điện tử, tiếp tục triển khai dịch vụ nộp thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử và phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, lệ phí trước bạ qua mạng...
Ông Nguyễn Tấn Lộc cho biết, để đạt được mục tiêu hoàn thành thu ngân sách, ngành thuế đưa ra những biện pháp chính như: thực hiện tốt các luật về thuế, phí sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành về thuế; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, nắm chắc các nguồn thu và số lượng người nộp thuế.
Ngành chú trọng phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, đặc biệt phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, từ đó tổng hợp báo cáo kết quả thu và dự báo thu sát đúng với thực tế phát sinh.
Bên cạnh đó, ngành thuế xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý thuế hiệu quả. Việc tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế hiểu biết và nâng cao nhận thức và trách nhiệm tuân thủ pháp luật cũng được ngành thuế đẩy mạnh.
Ngành thuế cũng củng cố, kiện toàn bộ phận một cửa, đường dây nóng, bố trí công chức có trình độ chuyên môn cao, có tinh thần trách nhiệm làm việc trong bộ phận tiếp nhận và giải đáp thắc mắc cho người nộp thuế.
Đồng thời tăng cường việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong khi thi hành công vụ, đặc biệt là việc truy thu, thủ tục, hồ sơ hành chính đối với người nộp thuế.