“Việt Nam đủ năng lực và đã làm hết sức mình trong việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích những ngày qua”. Đó là khẳng định của ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam với báo chí ngày 12/3.
Huy động lượng phương tiện kỷ lục
Dù tối 11/3, đã có thông tin từ phía Malaysia về việc phát hiện dấu vết máy bay bị mất tích tại eo biển Malacca (Malaysia), tuy nhiên, do chưa nhận được sự khẳng định chính xác và cuối cùng của phía Malaysia, nên sáng 12/3, các đơn vị tìm kiếm và các phương tiện tìm kiếm của Việt Nam vẫn tiếp tục hành trình tìm kiếm. Những phương tiện tăng cường dự kiến theo kế hoạch đưa ra chiều 11/3 cũng trong tình trạng sẵn sàng "vào cuộc". Và sau khi phía Malaysia phủ nhận việc đã tìm thấy dấu vết, đồng thời tiếp tục yêu cầu Việt Nam tiếp tục tìm kiếm, thì tất cả các phương tiện đều đã được huy động cho cuộc tìm kiếm ngày thứ 5 này.
Trong ngày 12/3, 2 máy bay AN26, 2 máy bay tuần thám Casa và máy bay của Không quân, Hải quân Việt Nam vẫn tiếp tục rà soát ở khu vực có nghi vấn. Trong đó, máy bay AN26 bay ở tầm từ 3-5.000 m, Casa tìm kiếm ở tầm thấp hơn, các máy bay còn lại tìm kiếm ở tầm khoảng 150 m. Bên cạnh đó, máy bay các nước Trung Quốc, Newzeland, Singapore cũng bay ở khu vực Biển Đông của Việt Nam để tìm kiếm.
Ngày 12/3, công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của hãng hàng không dân dụng Malaysia Airlines (MAS) đã được chuyển lên phía tây bắc, trong khu vực biển Andaman, phía bắc đảo Sumatra (Indonesia), rất xa so với lịch trình bay đã được hoạch định. Cùng ngày, Không quân Malaysia khẳng định không loại trừ khả năng chiếc Boeing 777 đã thay đổi hành trình bay, song phủ nhận thông tin về việc radar của quân đội phát hiện phi cơ này trong vùng trời phía trên eo biển Malacca vào lúc 2 giờ 40 sáng 8/3, cách đường bay dự kiến hàng trăm km. |
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong những ngày qua, Việt Nam đã vào cuộc nhanh chóng, đầy quyết tâm và đã huy động số lượng phương tiện kỷ lục để tìm kiếm máy bay mất tích. Cụ thể, đã có 9 máy bay của Binh chủng Phòng không không quân, 1 máy bay và 9 tàu chiến của Binh chủng hải quân, 2 tàu tìm kiếm cứu nạn, tàu của Cảnh sát biển và chưa kể đến hàng trăm tàu cá của ngư dân đang hoạt động trên vùng biển này, đã tham gia tìm kiếm máy bay MH 370 mất tích. Sở chỉ huy tìm kiếm cũng đã nhanh chóng được lập tại đảo Phú Quốc để có thể chỉ huy trực tiếp và nhanh nhất đối với các động thái của cuộc tìm kiếm. "Ngay từ chiều 8/3, Việt Nam đã triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn với số lượng có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay trong công tác tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam. Lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn gồm lực lượng Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, TCT Bay trực thăng (Bộ Quốc phòng), toàn bộ hệ thống tìm kiếm cứu nạn hàng hải và huy động cả ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển cũng đều tham gia dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn", ông Lại Xuân Thanh chia sẻ.
Cũng theo đại diện này, tính đến ngày 11/3, riêng các lực lượng chuyên trách về thực hiện tìm kiếm cứu nạn bằng đường hàng không đã thực hiện bay trên diện tích 150.000 km2, diện tích tìm kiếm của các loại tàu biển thực hiện còn lớn hơn. Bên cạnh đó, từ chiều 11/3, đã triển khai tìm kiếm cả trên bộ.
Tính chuyên nghiệp cao
Đánh giá kết quả những ngày vừa qua, theo ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam: Chúng ta đã thể hiện sự chuyên nghiệp, cũng như năng lực của Việt Nam trong hoạt động tìm kiếm. "Việt Nam đã triển khai tìm kiếm nhanh và huy động một lực lượng rất lớn, rất chuyên nghiệp gồm các đội tàu bay AN26, DHC6, Mi171, Casa, tàu bay trực thăng và thực hiện các bài bay chuyên nghiệp, không bỏ sót nghi vấn nào trong khu vực. Đây là chiến dịch chúng ta đã huy động một lực lượng rất lớn trong một khu vực rộng lớn, song đến nay sự phối hợp hết sức nhịp nhàng và đảm bảo an toàn", ông Lại Xuân Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lại Xuân Thanh, sau những ngày tìm kiếm vừa qua, Việt Nam đã được quốc tế đánh giá là hoàn toàn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế về điều hành vùng FIR do ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế) giao cho Việt Nam với hệ thống rada, hệ thống ADS-B phục vụ cho chương trình CNS-ATM (chương trình không vận của ICAO khu vực) đã được đưa vào khai thác.
P.V