Các trang mạng của sở cảnh sát và thành phố Oakland, bang California của Mỹ đã ngừng hoạt động ngày 10/12 do bị tin tặc tấn công. Nhóm tin tặc Anonymous đã thừa nhận thực hiện vụ tấn công này để phản đối việc lực lượng thực thi pháp luật trấn áp người biểu tình.
Oakland cùng với Berkeley là hai thành phố diễn ra cuộc biểu tình lớn phản đối quyết định của tòa án hạt miễn truy cứu hai cảnh sát da trắng gây ra cái chết của hai người da đen ở Ferguson, bang Missouri và thành phố New York. Một số phần tử quá khích đã cướp phá các cửa hàng và đốt lửa trên đường tại một khu dân cư ở Berkeley. Cảnh sát ở đây đã phải sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình đồng thời bắt giữ nhiều người quá khích ném đá vào cảnh sát và phá hoại tải sản.
Trước đó, ngày 9/12, nhóm Anonymous đã đăng tải đoạn video dài 3 phút cảnh báo sở cảnh sát thành phố Berkeley. Trong đó, một thành viên của nhóm Anonymous đeo mặt nạ và đội mũ trùm đầu cáo buộc các lực lượng chức năng đe dọa và tấn công những người biểu tình hòa bình. Đối tượng này yêu cầu sở cảnh sát Berkeley ngừng hoạt động.
Biểu tình phản đối cảnh sát bắn chết người da màu tại Chicago, bang Illinois. Ảnh: AFP-TTXVN |
Biểu tình đã nổ ra trên khắp nước Mỹ sau khi tòa án thành phố St. Louis tuyên bố miễn truy tố viên cảnh sát da trắng Darren Wilson ngày 9/8 bắn chết thanh niên da màu không có vũ trang Michael Brown, 18 tuổi. Sau đó, ngày 3/12, một tòa án từ chối xét xử vụ Eric Garner tử vong sau khi bị cảnh sát Daniel Pantaleo thuộc Sở Cảnh sát New York có hành động khống chế mạnh tay trong lúc bắt giữ hồi tháng 7.
Ngày 10/12, sinh viên từ khoảng 70 trường y trên toàn nước Mỹ đã tiến hành biểu tình dưới hình thức "giả chết" để phản đối hai vụ việc trên. Tại New York, một nhóm tự xưng là Liên minh công lý NY yêu cầu chính quyền sa thải viên cảnh sát đã gây nên cái chết của Eric Garner đồng thời hối thúc các công tố viên điều tra vụ việc và kêu gọi minh bạch luật về sử dụng vũ khí gây sát thương của cảnh sát. Trong khi đó, khoảng 100 người biểu tình tiếp tục tụ tập tại Berkeley sau khi cảnh sát bắt giữ nhiều đối tượng quá khích.
Cùng ngày tại thủ đô London của Anh cũng diễn ra một cuộc biểu tình lớn hưởng ứng làn sóng phản đối hai vụ việc trên ở Mỹ và nhà chức trách London đã bắt giữ 76 người biểu tình quá khích.
Hàng trăm người tham gia biểu tình "giả chết" nằm ra sàn tòa nhà trung tâm mua sắm Westfield và giăng đầy các biểu ngữ phản đối. Một số người quá khích tấn công lực lượng an ninh và phá hoại tài sản đã bị cảnh sát bắt giữ. Đây là cuộc biểu tình lớn thứ hai trong vòng hai tuần qua ở London phản đối các vụ việc trên ở Mỹ.
Tại London năm 2011 cũng xảy ra vụ thanh niên da màu Mark Duggan 29 tuổi bị cảnh sát bắn chết, dẫn tới bùng nổ các cuộc bạo động ở thủ đô của Anh.
Hai vụ việc trên ở Mỹ cũng đã tiếp tục hướng sự chú ý của dư luận tới trường hợp của Akai Gurley, một người Mỹ gốc Phi 28 tuổi, bị một cảnh sát da trắng bắn chết tại New York ngày 20/11. Một tòa án cấp cao cho biết sẽ sớm quyết định về việc đưa vụ việc này ra xét xử.
TTXVN/Tin tức