Diễn ra trong hai ngày 23 - 24/8/2014, tại Trung tâm Thiết kế Hà Nội (91 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội) chương trình “Tinh tế cùng thổ cẩm của người Mông” sẽ có sự tham gia của các những nghệ nhân dệt lành nghề thuộc nhóm Mông xanh, đến từ xã Pà Cò (Hòa Bình). Chương trình do Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) và Trung tâm Thiết kế Hà Nội phối hợp tổ chức.
Những khung cửi không ngừng hoạt động, dệt ra những mảnh thổ cẩm để phục vụ cuộc sống của đồng bào Mông. |
Trong hai ngày diễn ra sự kiện, công chúng sẽ được khám phá thế giới tâm hồn phong phú và chiêm ngưỡng bàn tay khéo léo chế biến sợi lanh, chắp vải, nhuộm chàm và vẽ họa tiết sáp của các cô gái Mông. Bên cạnh đó, sự kiện này cũng là cầu nối giới thiệu những sản phẩm tinh tế của đồng bào Mông tới các thị trường trong và ngoài nước, từ đó góp phần tạo thu nhập bền vững cho phụ nữ Mông.
Tấm vải lanh với những hoa văn độc đáo của người Mông xanh. |
Phụ nữ Mông xanh thu hoạch lanh. |
“Người Mông sinh ra được đặt trên tấm vải lanh, chết đi cũng phải có một tấm vải lanh. Sợi lanh vì vậy bao đời nay đã là một sợi dây tình cảm kết nối các thế hệ người Mông. Trong cộng đồng người Mông, phụ nữ Mông có vai trò trong mọi khâu của ngành dệt vải, từ trồng gai, dệt thổ cẩm. Theo những phong tục và quan niệm truyền thống của người Mông, nghề dệt thổ cẩm được truyền từ mẹ sang con gái qua nhiều thế hệ và công việc này gần như do phụ nữ đảm nhiệm hoàn toàn. Dệt thổ cẩm là một truyền thống quan trọng và cũng là một hoạt động tạo thu nhập mà người phụ nữ có thể làm tại nhà theo giờ giấc linh hoạt, nên có thể kết hợp với những công việc khác”, đại diện chương trình cho biết.
Sáp ong được đun nóng ở nhiệt độ khoảng 500C sẽ được vẽ thủ công lên vải lanh mới dệt. |
Phụ nữ Mông xanh bao đời vẫn gắn với sợi lanh để dệt vải. |
Nghề dệt vải là nghề mẹ truyền cho con gái. Cô gái này vừa mới lớn cũng đã thành thạo với khung cửi, với vải lanh. |
Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Cải thiện sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển bền vững chuỗi giá trị dâu tằm tơ và dệt vải”, do Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ, triển khai từ năm 2013. Dự án tập trung vào hai chuỗi giá trị tơ tằm và sợi gai: Tơ tằm được nhóm người dân tộc thiểu số Thái và Mường sử dụng; sợi lanh được người Mông sử dụng.
D.H