Tình trạng axít hóa đe dọa sản lượng hải sản

Theo báo cáo vừa công bố có nhan đề "Hậu quả môi trường của tình trạng axít hóa đại dương: Mối đe dọa tới an ninh lương thực", bên lề Hội nghị thường niên của LHQ về biến đổi khí hậu diễn ra tại Cancun (Mêhicô) từ ngày 29/11 tới 10/12, nạn axít hóa đại dương liên quan tới biến đổi khí hậu có thể đe dọa tới sản lượng hải sản và là nguyên nhân gây ra sự thay đổi nhanh nhất đối với môi trường biển trong 65 triệu năm qua.

Báo cáo cho biết, các sinh vật biển như san hô, động vật có vỏ như trai, sò, tôm…có nguy cơ tuyệt chủng do không hình thành được cấu trúc vỏ bảo vệ. Nạn axít hóa kết hợp với sự ấm lên của các đại dương khiến nhiều loài hải sản và động vật biển không còn môi trường nhiệt độ thích hợp để phát triển. Nguồn thực phẩm cho các loài cũng cạn kiệt, đe dọa cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới đang phụ thuộc vào chúng. Theo thống kê, nguồn hải sản hiện cung cấp 15% lượng prôtêin cho 3 tỷ người.

Nhiều loại sinh vật biển đang có nguy cơ tuyệt chung do tình trạng axít hóa đại dương.

Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), Achim Steiner cảnh báo, tình trạng axít hóa là một hiểm họa đối với môi trường biển và đại dương cũng như nguồn thực phẩm và các nguồn lợi khác từ biển và đại dương đối với con người, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn hải sản đang bị khai thác ngày càng cạn kiệt. Nguy cơ này đã đến mức báo động đỏ do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng không kiểm soát được như hiện nay.

Trong khi đó, chuyên gia thuộc Cơ quan nghiên cứu axít hóa đại dương của Anh, Carol Turley nhận định, vấn đề đáng lo ngại là tốc độ thay đổi môi trường biển hiện nay. Ước tính, khoảng 25% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu được đại dương hấp thụ và chuyển hóa thành axít cácboníc. Kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, độ pH của môi trường biển và đại dương đã giảm tới 30%. Đây là điều mà môi trường biển chưa từng phải trải qua trong vòng 65 triệu năm qua.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu tại Cancun, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đánh giá, 2010 là một trong những năm nóng nhất trong lịch sử dựa trên số liệu về khí hậu Trái Đất kể từ năm 1850. Tổng Thư ký WMO Michael Jarraud nói: "2010 là một trong ba năm nóng nhất trong lịch sử (cùng với 1998 và 2005). Thập niên 2001-2010 cũng là giai đoạn nóng nhất mà chúng tôi ghi nhận được".

Mặc dù gần một tháng nữa năm 2010 mới kết thúc, song những số liệu thu được về quá trình diễn biến khí hậu trong 11 tháng qua cũng đủ để chứng minh cho nhận định đó. Ở tất cả các khu vực trên Trái Đất, nhiệt độ không khí trên bề mặt đất và đại dương đều cao hơn 0,55 độ C so với mức trung bình 14 độ C của giai đoạn 1961-1990. Thập kỷ qua cũng là thời gian nóng nhất trên Trái Đất với nhiệt độ trung bình cao hơn 0,46 độ C so với nhiệt độ của giai đoạn tương ứng. Những khu vực có nhiệt độ cao nhất là Canađa và Greenland, khu vực Bắc Phi, Nam Á và miền tây Trung Quốc (với nhiệt độ cao hơn mức trung bình 3 độ C).

Tổng thư ký Jarraud hy vọng, những con số "nóng bỏng" này có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ lại về sự cần thiết phải đẩy nhanh các cuộc đàm phán hướng tới một hiệp định đối phó với biến đổi khí hậu do nghị định thư Kyoto sắp hết hạn vào năm 2012.

TKT

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN