Tổng nợ xấu tín dụng lên đến 202.000 tỷ đồng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vì vậy nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng nhanh, lên đến 202.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 3/2012. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chiều 12/7, quyền Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Hữu Nghĩa đã đưa ra những phân tích khẳng định không nên quá lo lắng về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay.


Tại sao số liệu nợ xấu khác nhau?


Kết quả thanh tra tại chỗ vừa qua đối với một số ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần yếu kém thuộc diện phải cơ cấu lại cho thấy nợ xấu thực tế của các TCTD cao hơn nhiều số hiện báo cáo của TCTD. Trong bối cảnh dư nợ tín dụng không tăng từ đầu năm 2012 trở lại đây cho thấy, nợ xấu phát sinh mới chủ yếu là các khoản tín dụng đã được cấp trước đây, đặc biệt là trong giai đoạn tăng trưởng tín dụng nhanh.


Đến ngày 31/3/2012, nợ xấu của các TCTD là hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ tín dụng. Con số này cho thấy nợ xấu theo kết quả giám sát cao hơn nợ xấu theo báo cáo của các TCTD tại cùng thời điểm tháng 3/2012 (là trên 118.000 tỷ đồng).


 

Cho vay vốn theo lãi suất mới tại Hội sở Agribank.

 

Giải thích hiện tượng này, ông Nghĩa cho rằng các tiêu chí định tính và định lượng trong phân loại nợ là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, do khoản nợ rủi ro và năng lực quản trị rủi ro của các TCTD là khác nhau, nên việc sử dụng các tiêu chí định tính trong phân loại nợ dễ dẫn đến sự thiếu minh bạch trong xác định và ghi nhận nợ xấu của TCTD. Đáng chú ý, một số TCTD không thực hiện đúng quy định về phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu thấp hơn thực trạng và quy định để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro.


Tài sản đảm bảo cao hơn giá trị nợ xấu


Hiện nợ xấu của các TCTD theo kết quả báo cáo giám sát từ xa là 202.000 tỷ đồng; còn theo các TCTD báo cáo là hơn 118.000 tỷ đồng. Số nợ xấu thực tế đang rơi vào các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp và xây dựng… do chịu sự tác động tương đối lớn về suy giảm kinh tế nói chung và đóng băng của thị trường bất động sản (BĐS) nói riêng.


Đến cuối tháng 5/2012, tổng dư nợ cho vay kinh doanh BĐS và chứng khoán khoảng 197.000 tỷ đồng, chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ 2,6 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu cho vay đầu tư kinh doanh BĐS khoảng 12.000 tỷ đồng, tương đương 6,5% tổng dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS, chiếm 10,3% tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng.


Thị trường chứng khoán cũng phải đối mặt với rủi ro kéo dài trong suốt thời gian qua, khiến xu hướng cho vay đầu tư lĩnh vực này giảm. Tính đến 31/5, dư nợ khoảng gần 12.000 tỷ đồng, nợ xấu thấp (khoảng 485 tỷ đồng), chỉ chiếm 4,1% tổng dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.


Trên thực tế, đánh giá chất lượng tín dụng ngân hàng phải tính đến vấn đề nợ có tài sản bảo đảm. Hiện có 84% dư nợ xấu được bảo đảm bằng tài sản, 16% còn lại không có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, hiện tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng 135% giá trị nợ xấu. Chỉ xét riêng giá trị bảo đảm tài sản bằng BĐS là 180% trong dư nợ xấu về lĩnh vực này. Nợ xấu tại các TCTD báo cáo là hơn 118.000 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn (phân vào nhóm 5) chiếm khoảng 40% tổng số nợ xấu. Mặc dù vậy, nợ nhóm 5 cũng không có nghĩa chắc chắn mất vốn bởi cũng đã được trích lập dự phòng rủi ro theo quy định và có tài sản đảm bảo. Do đó, đại diện cơ quan Thanh tra giám sát NHNN khẳng định có thể bớt lo lắng về nợ xấu trong ngân hàng.


Trong điều kiện bình thường, chỉ có số liệu thông qua báo cáo thống kê còn việc phát hiện vi phạm của các TCTD trong phân loại nợ chỉ thông qua kết quả của các đoàn thanh tra. Với hơn 100 TCTD như hiện nay thì NHNN không thể thanh kiểm tra hết để phát hiện quy định phân loại nợ và xử lý dự phòng rủi ro. Vì vậy, dự kiến đến tháng 8, NHNN sẽ ban hành thông tư mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; nghiên cứu quy chế về cấp vốn tín dụng…


Chỉ có TCTD yếu kém mới xé rào lãi suất


Tại cuộc họp báo, ông Nghĩa cũng cho biết động cơ để các ngân hàng vi phạm trần lãi suất giảm đi rất nhiều nhưng không có nghĩa trên thị trường đã chấm dứt hiện tượng này. So với những thời điểm cuối năm 2011 thì thanh khoản hệ thống đã được cải thiện rất nhiều, khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng khó khăn nên nhu cầu mở rộng huy động vốn của các ngân hàng cũng không còn căng thẳng như trước.


Những tháng cuối năm, NHNN sẽ có nhiều chính sách, trên cơ sở về trần lãi suất để chỉ đạo điều hành tại từng ngân hàng. Sau ngày 15/7, Thanh tra NHNN tại các địa phương sẽ thanh tra tại các ngân hàng cơ sở về việc chấp hành lãi suất huy động và sẽ xử lý nghiêm các vi phạm. Những TCTD “xé rào” thường là yếu kém và đang có vấn đề thanh khoản. Do đó, NHNN sẽ triển khai quyết liệt trong cơ cấu lại các tổ chức này và có sự giám sát chặt chẽ.


Thừa nhận vai trò của thanh tra giám sát ngân hàng thời gian qua trong cảnh báo sớm rủi ro về đầu tư tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro chưa đạt hiệu quả như mong muốn, ông Nghĩa khẳng định sẽ tăng cường hoạt động này để đảm bảo các TCTD có ghi đầy đủ về trích lập dự phòng…, giúp phòng ngừa các rủi ro đáng tiếc. Bên cạnh đó, NHNN sẽ thúc đẩy hoạt động mua bán nợ giữa các ngân hàng và tổ chức cá nhân khác để cơ cấu lại nợ, bán những tài sản không sinh lời; phối hợp với các bộ, ngành chặt chẽ để xử lý nợ xấu bảo đảm bền vững.


Thu Hằng

Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách

Ban chỉ đạo Tây Nam bộ vừa làm việc với tỉnh Đồng Tháp về việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trong thời gian qua, giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN