Tín hiệu khai thông bế tắc cuộc hòa đàm Trung Đông vừa được nhen lên cuối tuần qua đã tan biến sau khi Tổng thống Palextin, Mahmoud Abbas chính thức phủ nhận việc từ bỏ quyền hồi hương của người tị nạn Palextin trong cuộc thương lượng với Ixraen.
Hôm 4/11, Tổng thống Abbas khẳng định, tuyên bố của ông về thành phố quê hương Safed, nay thuộc miền bắc Ixraen, chỉ là “quan điểm cá nhân”. Phát biểu trên kênh truyền hình vệ tinh Al-Hayatt Egyptian (Ai Cập), ông Abbas nêu rõ: “Tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ từ bỏ quyền hồi hương (của người Palextin)”.
Trong cuộc phỏng vấn này, Tổng thống Abbas tìm cách giải thích về những phát biểu của ông trên Kênh truyền hình số 2 (Ixraen) hôm 2/11, trong đó dường như ông đã từ bỏ quyền của người tị nạn Palextin được trở về nơi họ phải rút chạy, hoặc buộc phải ra đi trong cuộc chiến tranh năm 1948, vốn đã dẫn tới việc ra đời Nhà nước Ixraen. Ông Abbas nói trên Kênh truyền hình số 2: “Tôi muốn nhìn thấy thành phố Safed, đó là quyền của tôi, nhưng không phải là sinh sống ở đó”.
Ngay lập tức, phát biểu của ông Abbas được Tổng thống Ixraen Shimon Peres ca ngợi là hành động can đảm, nhưng nó cũng gây làn sóng sục sôi tại Dải Gaza, khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của phong trào Hồi giáo Hamas từ năm 2007. Hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình phản đối tuyên bố của ông Abbas. Hamas tuyên bố không một ai có thể “chối bỏ quyền hồi hương (của người Palextin)”, hoặc “từ bỏ một tấc đất của người Palextin”. Trong tất cả các cuộc đàm phán với phía Ixraen, Palextin luôn yêu cầu điều kiện tiên quyết là phải hồi hương khoảng 5 triệu người Palextin tị nạn chiến tranh và hậu duệ của họ về các làng mạc và thị trấn hiện nay là một phần lãnh thổ Ixraen sau khi quốc gia này được thành lập năm 1948.
Liên quan đến cuộc hòa đàm Palextin - Ixraen, phát biểu trước cuộc họp nội các ngày 4/11, Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu khẳng định nỗ lực nâng cấp quy chế của Palextin tại Liên hợp quốc (từ "thực thể quan sát viên" lên "nhà nước quan sát viên") sẽ không mang lại hòa bình mà chỉ gây bất ổn cho khu vực. Ông Netanyahu kêu gọi Tổng thống Abbas nối lại cuộc hòa đàm bị trì hoãn lâu nay, thay vì thúc đẩy một nỗ lực “đơn phương” nhằm được LHQ công nhận quy chế nhà nước. “Nếu Abu Mazen (Abbas) thực sự nghiêm túc với việc thúc đẩy hòa bình, chúng tôi có thể ngay lập tức ngồi xuống cùng nhau bàn bạc. Từ Jerusalem tới Ramallah chỉ mất 7 phút đi xe và tôi sẵn sàng khởi động đàm phán ngay ngày hôm nay”, ông Netanyahu khẳng định.
Trần Long