Chắc chắn, việc Nhật Bản quyết định tham gia đàm phán TPP năm 2013 đã khiến tiến trình này trở nên rắc rối hơn. Thuế cao của Nhật Bản và các biện pháp bảo hộ khác cho ngành nông nghiệp đã trở thành chuyện thông lệ, và Tokyo phải chiến đấu để bảo vệ những điều này. Chẳng có vấn đề nào được giải quyết hoàn toàn trong thoả thuận của TPP và nhiều khả năng các hạn chế đối với ngành ô tô và nông nghiệp sẽ tiếp tục được áp dụng trong nhiều năm nữa.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (thứ ba, phải, phía xa) trong cuộc họp với lãnh đạo các nước tham gia đàm phán TPP tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 10/10/2014. |
Tuy nhiên, TPP cũng đang trong giai đoạn hoạch định chính sách và trong vấn đề này, Tokyo cùng Washington là những đồng minh sống còn. Thỏa thuận đạt được tại Atlanta sẽ lập ra những hạn chế mới đối với các chính sách phía sau đường biên giới, những chính sách vốn ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và đầu tư như bảo vệ sở hữu trí tuệ một cách lỏng lẻo, các quy định không rõ ràng và sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động thương mại. Washington và Tokyo đã trao đổi thẳng thắn về những vấn đề này và sự phối hợp của họ trong TPP đã buộc các đối tác còn lại phải chấp nhận tiêu chuẩn cao hơn.
Những lợi ích kinh tế của TPP đối với Mỹ và Nhật Bản là rất đáng kể. Tuy nhiên, cả ông Obama và ông Abe đều cần phải thuyết phục các nhà lập pháp trong nước phê chuẩn TPP, một hiệp định được đánh giá mạnh song chưa hoàn hảo. Cuộc tranh cãi tại Quốc hội hai nước chắc chắn sẽ ồn ào và căng thẳng. Dù vậy, các chuyên gia hy vọng TPP sẽ có cơ hội được phê chuẩn tại hai nước này vào nửa đầu năm sau.
TPP sẽ tạo ra một kỷ nguyên cạnh tranh mới. |
Mỹ và Nhật Bản đánh giá “TPP là thoả thuận thương mại thế kỷ 21”. Hiệp định này sẽ mang lại hiệu quả gì cho châu Á sau hơn 5 năm đàm phán khó khăn? Liệu các mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn và sự thịnh vượng hơn có giúp cho khu vực trở nên hoà bình và ổn định? Hay TPP sẽ chia châu Á thành hai phe, một bên do Mỹ lãnh đạo và bên còn lại là Trung Quốc, một sự lặp lại của mô hình Đông-Tây Âu thời kỳ Chiến tranh Lạnh? Chẳng có khả năng nào bị bác bỏ.
Rõ ràng là Trung Quốc đang rất quan ngại về TPP vì với nước này, TPP là một hiệp định bao vây và cô lập Trung Quốc. Không phải cả 10 nước thành viên ASEAN tham gia TPP. Đến giai đoạn này, có bốn nước ASEAN gồm Việt Nam, Singapore, Brunei và Malaysia. Các nước còn lại đang cân nhắc được và mất khi tham gia hiệp định do Mỹ lãnh đạo với khả năng phát triển quan hệ với Trung Quốc.
Dù ý đồ chính trị của Washington là gì đi nữa, TPP rõ ràng sẽ cung cấp một bộ khung mới cho thương mại quốc tế, điều mà Tổ chức thương mại thế giới không thể làm được.
Một câu hỏi quan trọng là làm thế nào để kết nối sâu hơn với Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực và là đối tác thương mại chính của nhiều nước thành viên TPP. Bắc Kinh có thể không sẵn sàng tham gia TPP sớm nhưng Mỹ và Nhật Bản nên bắt đầu bàn thảo cách thức để cuối cùng có thể lôi kéo Trung Quốc và nhiều nền kinh tế lớn khác tham gia vào một hiệp định thương mại lớn hơn. Họ nên mở rộng sự hợp tác trong các lĩnh vực khác, từ tài chính phát triển đến quản lý Internet, với mục tiêu trao cho Trung Quốc và các nền kinh tế quan trọng khác trong khu vực những động lực để ủng hộ TPP, một trật tự kinh tế mở được thiết lập dựa trên những quy định.
Cơ sở để ổn định
Tóm lại, TPP sẽ tạo ra một kỷ nguyên cạnh tranh mới mà trong đó các công ty và cá nhân có năng lực, nếu tuân thủ quy định, có thể thành công.
Lịch sử cho thấy trong một thời gian dài các lợi ích kinh tế hữu hình dễ thuyết phục mọi người hơn là các tư tưởng chính trị. Nếu các chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong các nước tham gia TPP chứng minh được lợi ích của TPP, thoả thuận này hoàn toàn có thể trở thành một công cụ để đoàn kết khu vực chứ không phải là để chia rẽ.
Chắc chắn TPP sẽ đặt ra tiêu chuẩn cao về tự do hoá thương mại. Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi khác có thể thấy rất khó để vượt qua. Tuy nhiên, một khi các quy định trong TPP được thực thi một tiêu chuẩn quốc tế trên thực tế, và nếu các nước châu Á khác như Thái Lan, Philippines tham gia, Trung Quốc có thể sẽ nghiêm túc cân nhắc khả năng tham gia.
Điều đó sẽ giúp củng cố vai trò của TPP là cơ sở cho hoà bình và ổn định châu Á, chứ không phải là một công cụ trong chiến lược địa chính trị của Mỹ. Và mỗi một doanh nghiệp - không phải là giới chính trị của các cường quốc - chính là đối tượng phù hợp nhất để đảm bảo rằng đó chính là cách mà TPP được thực thi.