Đến thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái giờ đây ai cũng ngỡ ngàng trước nhiều ngôi biệt thự tiền tỷ và những đổi thay của vùng đất này. Có được sự phát triển đó chính là nhờ cây cam đã góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.
Trồng cam giúp người nông dân vươn lên làm giàu. |
Từ những năm 1990, một số người dân ở thị trấn Nông trường Trần Phú đã đi tìm hiểu và mua giống cam sành ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái về trồng thử. Cây cam hợp thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất này, nên bắt rễ rất nhanh. Sau thời gian chăm sóc, thu hoạch những lứa cam đầu tiên thấy hiệu quả, người dân dần phá bỏ diện tích chè già cỗi, kém hiệu quả, chuyển sang trồng cam.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thống, ở tổ 8, thị trấn Nông trường Trần Phú là một trong những hộ điển hình có nguồn thu lớn từ trồng cam. Với hơn 2 ha cam các loại như cam sành, cam đường canh, cam chanh... mỗi năm gia đình ông thu được từ 40 - 50 tấn. Với giá bán trung bình từ 20.000 - 35.000 đồng/kg các loại cam, thu nhập bán cam đã lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Ông Thống chia sẻ: "Chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh, hữu cơ, vừa bảo đảm an toàn, vừa tiết kiệm chi phí bảo vệ môi trường và hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu cam sạch Trần Phú".
Thành công từ mô hình trồng cam, thị trấn Nông trường Trần Phú hiện nay đã trở thành một trong những địa phương có diện tích trồng cam lớn nhất huyện Văn Chấn, với gần 400 ha. Mỗi năm, diện tích cam này cho năng suất từ 12 - 15 tấn/ha, sản lượng đạt 2.000 tấn, mang về cho người dân nơi đây hơn 60 tỷ đồng.
Tuấn Anh