Ngày 13/10, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận) tổ chức trưng bày chuyên đề “Trang sức phụ nữ các dân tộc ở miền Nam”.
Gần 30 hình ảnh và 170 hiện vật phong phú như xương, sừng, thủy tinh, đá quý, đồng, bạc, vàng... thuộc bộ sưu tập trang sức của phụ nữ các dân tộc ở miền Nam được trưng bày; nhằm giới thiệu đến công chúng về kỹ thuật chế tác, ý nghĩa sử dụng và giá trị nghệ thuật của trang sức phụ nữ các dân tộc ở miền Nam. Qua đó tôn vinh những giá trị di sản về trang sức truyền thống gắn kết với vai trò của người phụ nữ trong đời sống xã hội, về lịch sử hình thành và phát triển các loại hình trang sức tiêu biểu, độc đáo như hoa tai, vòng tay, vòng cổ, dây đeo, nhẫn... của phụ nữ các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, Bana, Êđê, Stiêng...
Giới thiệu với du khách các hiện vật tại triển lãm. Ảnh: Công Thử/TTXVN |
Hoa tai phụ nữ Chăm thế kỷ 19 trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Ảnh: baotangphunu.com |
Triển lãm các hiện vật thu hút người xem. Ảnh: Công Thử/TTXVN |
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho biết: Ở miền Nam Việt Nam, ngoài cư dân người Việt thì còn có các dân tộc khác cùng sinh sống như: Chăm; Hoa; Khmer ở đồng bằng; người Bana, Êđê, Stiêng, M’nông... ở Tây Nguyên. Mỗi dân tộc đều có những loại trang sức rất độc đáo và mang ý nghĩa văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng cho nền văn hóa dân tộc. Dù ở miền đất nào, trang sức luôn là vật dụng làm đẹp của người phụ nữ, đồng thời hàm chứa nhiều thông điệp liên quan đến cuộc sống, địa vị của mọi người, phản ánh rõ nét đặc trưng văn hóa riêng biệt của từng dân tộc. Đây là kho tàng tư liệu phong phú mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật.