Ấn tượng nhất là đội cồng chiêng của thanh niên làng Byang (thị trấn Konchoro) biểu diễn với những âm thanh khi trầm khi bổng, khi nhẹ nhàng, lúc vút cao... làm say đắm lòng người. Tiếng cồng, tiếng chiêng của những chàng trai đã vang xa đến tận các chân núi rồi vang dội trở lại, càng nghe càng cảm nhận sự thánh thót và ngọt ngào của từng âm thanh. Theo tiếng cồng, tiếng chiêng, những cô gái người Bahnar với tuổi đôi mươi trong trang phục đẹp của lễ hội thể hiện những vòng xoang nhịp nhàng và uyển chuyển theo từng điệu gõ, từng bước đi và sự mềm mại của đôi bàn tay khéo léo. Đội cồng chiêng làng Byang đã tạo nhiều ấn tượng đẹp ở các hội thi cồng chiêng cấp huyện, cấp tỉnh và nhất là tại Festival cồng chiêng Quốc tế lần thứ nhất được tổ chức tại thành phố Pleiku vào năm 2009.
Từ nhiều năm nay, bản sắc văn hóa truyền thống của các tộc người Bahnar và J'rai ở địa bàn tỉnh Gia Lai luôn được giữ gìn và phát huy, đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cồng chiêng, múa xoang, nhà rông, dệt thổ cẩm và các lễ hội khác như lễ bỏ mả, lễ hội mừng lúa mới... là nét văn hóa đặc trưng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số không thể thiếu được trong đời sống và sinh hoạt của người dân ở các buôn làng. Phải khẳng định rằng, kết quả này có công đóng góp không nhỏ của tuổi trẻ, nhất là lực lượng thanh niên trong các vùng đồng bào dân tộc ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đã năng động, sáng tạo trong các hoạt động.