Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ có thể sẽ được điều động đến Syria để hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang đối lập được Washington huấn luyện. Đây là tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey, đưa ra ngày 4/3 trong phiên điều trần về dự luật trao quyền phát động chiến tranh chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cho Tổng thống Mỹ.
Quân nổi dậy tại mặt trận gần làng Ratyan, Syria. Ảnh: AFP- TTXVN |
Trả lời câu hỏi về khả năng sẽ có thêm nhiều binh sỹ Mỹ được điều tới Iraq hay Syria để chống IS, Tướng Dempsey nhấn mạnh ông sẵn sàng đề xuất điều này lên Tổng thống Mỹ Barack Obama nếu nhận được yêu cầu từ các chỉ huy dưới quyền.
Tướng Dempsey khẳng định giới chức quốc phòng Mỹ sẵn sàng khuyến nghị điều binh lính đến Syria nếu việc làm này có thể giúp đạt được các mục tiêu của nước Mỹ.
Trước đó, Tướng Dempsey từng đưa ra những tuyên bố tương tự khi nhắc đến Iraq, nơi đang có hơn 2.000 lính Mỹ tham gia công tác huấn luyện và cố vấn cho các binh sĩ quân đội Iraq và lực lượng người Kurd.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, những phát biểu trên của ông Dempsey vào thời điểm này lại tạo ra một viễn cảnh mang tính "lý thuyết" bởi hiện tại lực lượng đối lập mà Washington cho là ôn hòa ở Syria vẫn chưa trải qua quá trình đào tạo.
Thậm chí, một quan chức quốc phòng còn cho rằng Tướng Dempsey sẽ chưa có kế hoạch điều quân tới Syria cho đến khi triển khai xong kế hoạch điều lực lượng cứu giúp phi công gặp nạn khi tác chiến ở Iraq và Syria.
Cùng ngày, Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương, Tướng Vincent Brooks, cho hay Mỹ đang cân nhắc đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao đầu cuối (THAAD) đến Trung Đông hoặc Hàn Quốc. Tướng Brooks nhấn mạnh cần triển khai khẩn cấp THAAD đến hai địa điểm trên để ngăn chặn những mối đe dọa trong khu vực.
Trong phát biểu của mình, Tướng Brooks không nhắc đến Iran, một quốc gia mà Washington luôn quan ngại có khả năng phát triển tên lửa tầm xa có thể vươn tới Israel và một số nước đồng minh châu Âu.
Theo vị tướng này, quân đội Mỹ cần cân nhắc kỹ các phương án triển khai THAAD vốn đắt đỏ và tốn kém. Hiện tại, quân đội Mỹ đang chuẩn bị rút một khẩu đội THAAD tại đảo Guam (Goam) sau khoảng một năm triển khai.
THAAD là hệ thống phòng thủ do tập tập đoàn Lockheed Martin chế tạo với tỷ lệ đánh chặn tên lửa đạn đạo đạt độ chính xác tuyệt đối (100%) trong phạm vi từ 150 - 200km.
TTXVN/Tin tức