Ngày 8/2, hãng thông tấn nhà nước Petra của Jordan đưa tin phái viên Mỹ đảm trách liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), Tướng John Allen cho biết một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn nhằm vào lực lượng thánh chiến này sẽ sớm được bắt đầu.
Trả lời phỏng vấn của hãng trên, Tướng Allen tiết lộ lực lượng Iraq sẽ dẫn đầu cuộc tấn công này với sự hỗ trợ từ các thành viên trong liên minh chống IS. Ông nhấn mạnh công tác chuẩn bị 12 lữ đoàn của Iraq tham gia chiến dịch đã bắt đầu, trong đó bao gồm các hoạt động huấn luyện và vũ trang. Tướng Allen cho biết thêm sẽ sớm tới Đông Á để vận động thêm các nước gia nhập liên minh hiện bao gồm 62 quốc gia này.
Cùng ngày, một phi đội máy bay tiêm kích F-16 của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cùng các phi công, nhân viên kỹ thuật và trang thiết bị đã tới Jordan để hỗ trợ cuộc chiến chống IS.
Máy bay quân sự Jordan ném bom không kích IS tại Syria. Ảnh: AP |
Trong một diễn biến liên quan, tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), lãnh đạo các quốc gia Arập ngày 8/2 đã chỉ trích điều mà họ nói là tình trạng thiếu chiến lược và vũ khí trong cuộc chiến chống lực lượng thánh chiến như nhóm IS.
Ngoại trưởng Palestine Riad al-Malki nói: "Tôi không thấy có chiến lược rõ ràng nào về cách thức đối phó với IS. Làm thế nào để kiềm chế, kiểm soát, đánh bại và tiêu diệt tổ chức này, tôi không thấy có chiến lược nào... Trừ phi không kích là một chiến lược. Tuy nhiên, đó lại không phải là chiến lược". Ngoại trưởng Qatar Khaled al-Attiyah cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng “chúng ta vẫn cần có một chiến lược ở Iraq từ các đồng minh. Nhưng tôi sẽ nói thẳng là không có một chiến lược nào cả”.
Trong khi đó, các nước Arập khác như Ai Cập cho rằng cộng đồng quốc tế đã không hỗ trợ đầy đủ cho nỗ lực của họ nhằm chống lại các nhóm thánh chiến khác như Ansar Beyt al-Maqdis ở Bán đảo Sinai, giáp biên giới với Israel. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh: "Chúng tôi cần thêm vũ khí, những loại vũ khí hiện đại và có chất lượng, cũng như công nghệ để chúng tôi có khả năng theo dõi và thâm nhập những tổ chức như vậy".
Hiện chiến dịch không kích do Mỹ đứng đầu và những vũ khí mà Phương Tây cung cấp cho các chiến binh người Kurd đã giúp kiềm chế IS tiến sâu hơn vào lãnh thổ của người Kurd tại miền Bắc Iraq. Tuy nhiên trên thực địa, IS đã sử dụng các vũ khí hạng nặng chiếm được từ quân đội Iraq đang suy yếu, khiến các lực lượng địa phương phải hứng chịu nhiều tổn thất.
T.N (theo THX)