Trong lúc doanh nghiệp (DN) đang loay hoay tiếp cận nguồn vốn “giá rẻ” thì ở góc nhìn khác, vấn đề lợi nhuận của các ngân hàng lại được giới chuyên gia đề cập đến.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước- NHNN) đã chia sẻ với báo giới xung quanh vấn đề này cũng như những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.
´Thưa bà, nhiều ý kiến cho rằng: Ngân hàng đang lãi lớn trong khi các DN khó khăn (5 tháng đầu năm 2012, có khoảng 21.800 DN ngừng hoạt động, giải thể). Phải chăng nhiều ngân hàng đã không có sự chia sẻ với DN khi duy trì mặt bằng lãi suất cho vay vẫn cao?
Tôi cho rằng, không phải ngân hàng nào cũng có lãi lớn, không phải DN nào cũng phá sản. Nếu như so sánh lợi nhuận của các ngân hàng với các DN thì chúng ta phải có thước đo đồng nhất, đó là thước đo lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Nếu chỉ nhìn vào giá trị tuyệt đối lợi nhuận của một vài ngân hàng mà đánh giá các ngân hàng đang lãi lớn thì chưa đúng. Theo số liệu của cơ quan thanh tra giám sát thì tỷ lệ ROA và ROE của các ngân hàng Việt Nam chỉ thuộc nhóm trung bình trong số các nhóm doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta cũng phải hiểu rằng các ngân hàng hoạt động không chỉ quan tâm đến lợi ích của DN mà họ còn cần phải quan tâm đến lợi ích của người gửi tiền. Nếu DN hoạt động thiếu trách nhiệm, không hiệu quả thì hậu quả là bản thân tổ chức tín dụng, người gửi tiền sẽ phải gánh chịu.
´Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, NHNN đã có những chính sách điều hành tiền tệ ra sao, thưa bà?
NHNN đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Đối với chính sách lãi suất, NHNN đã giảm lãi suất điều hành, điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi VND với tổng cộng mức giảm từ 4 - 5%/năm. Hiện nay, lãi suất cho vay thanh toán điện tử liên ngân hàng ở mức 12%/năm; lãi suất tái cấp vốn là 11%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 9%/năm. Đối với lãi suất cho vay, NHNN đã áp trần lãi suất cho vay ở 4 lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và DN vừa và nhỏ. Các mức trần lãi suất cho vay đã điều chỉnh theo diễn biến điều chỉnh trần tiền gửi huy động VND.
Hài hòa lợi ích doanh nghiệp và ngân hàng lÔng Phạm Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): Trong các ngành hoạt động hiện nay thì lợi nhuận, tỷ suất sinh lời của ngành ngân hàng cũng chỉ ở mức trung bình, có rất nhiều ngành có mức sinh lời cao hơn rất nhiều. Để ngân hàng hoạt động kinh doanh được, để người dân tin tưởng gửi tiền thì ngân hàng phải hoạt động an toàn, có hiệu quả. lÔng Kiều Trọng Tuyến, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank): Tháo gỡ cho DN cũng chính là tháo gỡ cho ngân hàng, không phải chỉ vì mục tiêu lợi nhuận. Nếu lợi nhuận của ngân hàng cao mà DN không trả nợ được thì cũng không có lợi nhuận được. Theo Agribank, vấn đề này cần phải hài hòa lợi ích cả hai bên. lÔng Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB: Nếu như đánh giá lợi nhuận của ngân hàng trên số tuyệt đối thì chúng ta nhìn thấy rất lớn. Nhưng nếu đánh giá cụ thể vào các chỉ số tài chính thì các tỷ suất lợi nhuận của ngành ngân hàng chỉ ở mức trung bình và thấp hơn so với một số ngành khác trong nền kinh tế. Ngoài ra, thu nhập, lợi nhuận của ngành ngân hàng không chỉ phụ thuộc vào tín dụng mà nó cấu thành từ các nguồn thu khác nữa như: dịch vụ ngân hàng, phi tín dụng, kinh doanh công cụ tài chính, kinh doanh nguồn vốn… Do vậy xét lợi nhuận ngân hàng không nên xem xét trên con số tuyệt đối mà nên xem xét về các chỉ tiêu, khía cạnh tài chính thì mới chính xác. |
Đối với chính sách tín dụng: Ngay từ đầu năm, NHNN đã ban hành chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng kế hoạch năm 2012, trong đó có kế hoạch tăng trưởng tín dụng. Trước tình hình tín dụng giảm trong 2 tháng đầu năm, NHNN đã linh hoạt cho phép các TCTD loại bỏ một số nhu cầu vốn ngoài phạm vi kiểm soát đối với lĩnh vực cho vay không khuyến khích; chỉ đạo TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ và cho phép các TCTD được giữ nguyên nhóm nợ khi tiến hành cơ cấu thời hạn trả nợ đối với khách hàng có triển vọng kinh doanh tốt; chỉ đạo giảm lãi suất cho vay đối với hợp đồng cũ; đề nghị các TCTD xem xét miễn giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng tổn thất tài sản, khó khăn tài chính tùy khả năng tài chính của các TCTD.
Về tăng trưởng tín dụng, tôi cho rằng: Nếu như 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng âm thì từ tháng 3/2012 đã tăng trở lại, điều đó đồng nghĩa là các DN đã vay được nhiều vốn hơn với lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng, đối với DN còn gặp nhiều khó khăn, khó khăn không chỉ do lãi suất mà còn là đầu ra, tồn kho tăng cao, nhiều DN không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng, những yếu kém nội tại của DN trong sản xuất kinh doanh dẫn đến DN có tình hình tài chính yếu kém.
Thống đốc NHNN đã có định hướng điều hành lãi suất sẽ giảm 1%/quý và cuối năm 2012, lãi suất sẽ ở mức khoảng 9 - 10%. Đến nay, diễn biến kinh tế vĩ mô tích cực hơn, lạm phát tăng thấp với kỳ vọng lạm phát của năm 2012 vào khoảng 7 - 8%, vì vậy việc điều chỉnh giảm lãi suất trong thời gian qua đã phù hợp với thị trường.
Tôi cho rằng, điều chỉnh giảm lãi suất như vậy hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến thị trường. Lần giảm vừa qua được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, lãi suất. Đối với lãi suất hiện nay đảm bảo hài hòa lợi ích người gửi và vay.
Minh Phương