Quốc hội Ukraine ngày 5/2 đã thông qua luật cho phép các chỉ huy sử dụng súng trong trường hợp binh sĩ dưới quyền bất tuân lệnh. Quân chính phủ Ukraine tại Debaltseve sau một trận đánh. Ảnh: AFP-TTXVN |
Văn kiện này nhận được sự ủng hộ của 260 nghị sĩ so với ngưỡng 226 cần thiết. Văn bản giải trình nêu rõ: "Các chỉ huy có quyền sử dụng biện pháp vũ lực, các phương tiện đặc biệt, và trong trường hợp chiến đấu - sử dụng vũ khí hoặc ra lệnh cho các binh sĩ dưới quyền sử dụng những phương tiện đó, nếu không còn cách nào khác để chấm dứt hành động phạm tội của người dưới quyền".
Các hành động bất hợp pháp bao gồm: thực hiện tội ác, liên quan tới bất tuân lệnh, chống lại hoặc đe dọa hành hung cấp trên, cũng như tự ý bỏ vị trí quân sự và những khu vực nhất định của các đơn vị quân đội khi thực hiện nhiệm vụ quân sự.
Ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ủng hộ cấp vũ khí cho UkraineNgày 4/2, ông Ashton Carter, ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được Tổng thống Barack Obama đề cử, cho biết ông “nghiêng về” ý kiến cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm hỗ trợ chính quyền Kiev trong cuộc chiến chống các phần tử ly khai.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain về việc liệu có ủng hộ chuyển giao “vũ khí phòng vệ” cho Kiev hay không, ông Carter nói: “Tôi rất ủng hộ phương hướng này, thưa ngài Chủ tịch, vì tôi nghĩ rằng chúng ta cần hỗ trợ người Ukraine bảo vệ chính mình. Nhưng về loại vũ khí nào thì tôi chưa thể nói ngay bây giờ”.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Obama có khả năng sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Trong khi đó, ngày 5/2, Tư lệnh hàng đầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove tuyên bố bất kỳ động thái nào (của Mỹ hay Phương Tây) nhằm cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine cần phải tính tới phản ứng gay gắt từ phía Nga.
Một ngôi nhà bị hư hại do trúng đạn pháo tại Donetsk, miền đông Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cảnh báo về kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine của Mỹ và cho rằng hành động đó sẽ "hủy hoại nghiêm trọng" các mối quan hệ giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh này.
Ông tuyên bố Moskva "hết sức quan ngại" trước các cuộc thảo luận ở Phương Tây về khả năng cung cấp vũ khí cho lực lượng của Ukraine đang chiến đấu với phe ly khai ở miền Đông.
Ông Lukashevich nêu rõ: "Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu quyết định đó được đưa ra sẽ gây phương hại lớn tới các mối quan hệ Mỹ-Nga, đặc biệt là khi các cư dân ở Donbass (Donetsk và Lugansk) bị giết hại bởi vũ khí Mỹ. Điều đó sẽ không chỉ làm leo thang tình hình ở miền Đông Ukraine, mà còn đe dọa tới an ninh của nước Nga trong bối cảnh lãnh thổ Nga liên tục bị trúng đạn pháo bắn từ Ukraine".
Trong một diễn biến cùng ngày 5/2, cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov cho biết Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán mang tính xây dựng với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel về Ukraine.
Phát biểu trước báo giới, ông Ushakov tuyên bố phía Nga hy vọng bà Merkel và ông Hollande sẽ cân nhắc tới các biện pháp do ông Putin đề xuất trước đó liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine trong bất kỳ kế hoạch nào mà họ đưa ra tại các cuộc đàm phán ở thủ đô Moskva vào ngày 6/2 tới, đồng thời đánh giá việc tổ chức cuộc gặp này là một "bước đi tích cực".
Ông Ushakov cho biết thêm Tổng thống Putin đã điện đàm với tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và mời ông này tới thăm Nga.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh-đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini nhận định sứ mệnh của các nhà lãnh đạo Pháp, Đức tới Kiev và Moskva là một nỗ lực rõ ràng nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine. Bà nhấn mạnh: "EU ủng hộ mọi sáng kiến nhằm mang lại giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine".
TN (Theo AP/AFP/Reuters)