Như thông lệ, một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử được gọi là Ngày im lặng. Và thủ đô Kiev của Ukraine đang trải qua những giây phút cuối cùng của một ngày như thế. Không băng rôn, biểu ngữ, không lều trại, khẩu hiệu, không tuyên truyền vận động tranh cử cho chính đảng của mình. Bất kỳ cuộc vận động nào cũng đều bị coi là phạm luật.
Tôi đã lần thứ hai cùng người dân Kiev trải qua Ngày im lặng như thế. Lần thứ nhất cũng chỉ mới cách đây hơn 5 tháng, trong cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine trước thời hạn. Và lần này, là cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn - Verkhovnaya Rada khóa VIII.
Tòa nhà Ủy ban bầu cử trung ương Ukraine tại Kiev. |
Cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn của Ukraine diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang chìm sâu trong khủng hoảng, tình trạng kinh tế suy kiệt, và đặc biệt là sự "ra đi" của Crimea trong khi một số tỉnh miền đông nằm trong tay lực lượng ly khai, kiên quyết tẩy chay bầu cử.
Có tới 7.000 ứng cử viên, thuộc 29 chính đảng và phong trào tham gia tranh cử lần này, song có thể thấy rõ dường như không đảng phái nào nổi trội hơn hẳn để có thể thu hút, giành được sự tín nhiệm của cử tri.
Điều này được minh chứng qua thực tế các cuộc thăm dò cho thấy sát tới ngày bầu cử vẫn có khoảng 30% số cử tri chưa quyết định được sẽ bỏ phiếu cho ai.
Một thực tế khác là số vụ vi phạm pháp luật về vận động tranh cử được ghi nhận lên tới con số hàng trăm, và dường như chuyện mua phiếu bầu của cử tri cũng là một trong những "cách thức tranh cử" tương đối phổ biến.
Thậm chí, một người dân tôi gặp gần trụ sở quốc hội còn cho biết để mua lá phiếu của các bà nội trợ, cán bộ hưu trí, người già, ứng cử viên tranh cử sẽ phải bỏ số tiền 200 gripna (khoảng 15 USD), còn lá phiếu của các cử tri trong giới “cổ cồn” vào khoảng 7-800 gripna.
Ba ngày trước thềm bầu cử, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho biết chính quyền đã khởi tố 227 vụ án hình sự đối với người vi phạm, trong đó khoảng 60% người phạm luật tranh cử là các ứng cử viên độc lập ứng cử tại các khu vực bầu một đại biểu.
Số liệu của Ủy ban bầu cử Trung ương Ukraine (SIK) cho biết có 2.321 quan sát viên quốc tế đăng ký dõi theo cuộc bầu cử này - ít hơn đáng kể so với các cuộc bầu cử trước đây.
Trong số đó có 19 quan sát viên của Nga và họ sẽ cùng tham gia các công việc của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Khoảng gần 1.000 nhà báo đến từ 110 cơ quan truyền thông nước ngoài sẽ thực hiện việc thông tin về sự kiện quan trọng này.
Theo kế hoạch, vào 8 giờ ngày 26/10 giờ Ukraine (tức 13 giờ Việt Nam), 32.000 điểm bỏ phiếu trên lãnh thổ Ukraine và 112 điểm bỏ phiếu ở nước ngoài sẽ mở cửa để đón 34 triệu cử tri đi bầu và sẽ đóng cửa vào 20 giờ cùng ngày.
Trong số 424 nghị sĩ sẽ được bầu vào quốc hội Ukraine lần này có 225 người đại diện cho 29 chính đảng, tuy nhiên trong số 225 đại biểu bầu theo danh sách các khu vực như thông lệ sẽ phải để lại 26 đại biểu chưa bầu, trong đó 10 đại biểu của Crimea, 2 đại biểu của Sevacstopol và 14 đại biểu của vùng Donbass.
An ninh được tăng cường nghiêm ngặt tại Kiev và các thành phố khác bởi cuộc bầu cử này diễn ra trong bối cảnh đấu tranh chính trị nội bộ sâu sắc và bất ổn vẫn tiếp diễn tại miền đông Ukraine. Phe ly khai tại Lugansk và Donetsk tuyên bố tẩy chay bầu cử và dự định sẽ tiến hành bầu cử trên "lãnh thổ" của mình vào ngày 2/11 tới đây.
Sự cởi mở và tính sự minh bạch trong cuộc bầu cử lần này là điều được dư luận đặc biệt quan tâm bởi vấn đề tham nhũng được coi là "căn bệnh thân căn cố đế" chưa thể giải quyết dứt điểm và tình hình kinh tế khó khăn đang đẩy người dân Ukraine vào cảnh khốn cùng.
Bình minh đang lên tại Ukraine. Cử tri Ukraine chuẩn bị đi thực hiện nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của mình, song điều tối quan trọng đối với đất nước lúc này không phải là những cuộc bầu cử, mà là mối quan hệ của Donbass với Kiev và lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng khí đốt khi mùa đông lạnh lẽo đang đến rất gần. Dư luận hy vọng rằng một quốc hội mới tại Ukraine sẽ có thể góp phần giải quyết được vấn đề này.
Tin, ảnh: Quế Anh(P/v TTXVN có mặt tại Kiev, Ukraine)