Vẫn chỉ là “vẻ đẹp tiềm ẩn”

Cũng giống như mọi năm, thông tin từ các cơ sở kinh doanh du lịch cho thấy, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, tình trạng tăng giá vé, giá phòng tiếp tục xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố có điểm du lịch hấp dẫn. Theo lý giải của nhiều địa phương, sự quá tải này có nguyên nhân do nhu cầu du lịch tăng mạnh. Đơn cử như tại Quảng Ninh, mỗi ngày hút tới hơn một vạn lượt khách, trong đó 80% là khách quốc tế. Du lịch tăng là dấu hiệu đáng mừng. Thế nhưng, điều trăn trở là trong những vị khách du lịch tới Việt Nam lần này có bao nhiêu người sẽ quay trở lại?


Thống kê của cơ quan chức năng, có thời điểm, trong số 100 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thì số khách quay trở lại chỉ chưa đầy 10%. Đó là tỷ lệ rất thấp so với các thị trường du lịch lân cận Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia… Ở những nước này, phần lớn danh lam thắng cảnh, hay nói đúng hơn là các sản phẩm du lịch phần nhiều do con người sáng tạo ra, nhưng khách cứ ùn ùn kéo đến. Trong khi Việt Nam luôn tự hào là quốc gia có nhiều danh thắng, nhiều di sản thế giới do thiên nhiên ban tặng, nhưng lại cứ luẩn quẩn khai thác những gì có sẵn, mà chưa nghĩ ra những sản phẩm du lịch thật sự ấn tượng để thu hút khách.


Vì sao “vẻ đẹp tiềm ẩn” của du lịch Việt Nam vẫn chưa được đánh thức? Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ du lịch Việt Nam thiếu một kịch bản phát triển chi tiết, để đưa ra các sản phẩm du lịch ra tấm ra món, bài bản, chuyên nghiệp, thay vì làm theo kiểu mỗi nơi mỗi phách, nặng tính nghiệp dư như hiện nay. Trong khi khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng không đáng kể, thì đang có xu hướng là khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng.

 Trước thời điểm nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay, tại nhiều công ty du lịch đã xảy ra tình trạng “cháy” tour đi nước ngoài. Riêng trong tháng 4, dự kiến có khoảng 300.000 khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài qua các cửa khẩu Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Điều này chứng tỏ mức sống của người dân ngày một khấm khá. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, phải chăng dịch vụ du lịch trong nước chưa có sản phẩm đủ sức hấp dẫn để níu chân du khách nội. Chỉ biết rằng, sau những đợt đi du lịch trong nước, rất nhiều người phàn nàn về chuyện tàu xe, ăn uống đến tham quan… Nhiều nơi họ đặt chân tới là bị hành, phải đối mặt với kiểu làm ăn chộp giật, “chặt chém”.


Chưa có so sánh về con số giữa tổng chi tiêu của một khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam và của một khách du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ biết rằng, du khách nước ngoài vào Việt Nam chi tiêu bằng tiền Việt với mức không cao hơn nhiều, thậm chí chỉ tương đương khách nội. Trong khi để đi du lịch nước ngoài, một du khách nội xài tour xoàng cũng phải vài trăm đô la, thậm chí vài nghìn đô (tour đi các nước Tây Âu).


Trong khi chúng ta đang ra sức cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có cả đầu tư vào lĩnh vực du lịch, để chắt chiu cơ hội thu hút từng đồng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn, thì xem ra một lượng tiền không nhỏ đang có xu hướng chảy ngược ra nước ngoài.


Quả là vấn đề đáng để suy ngẫm!


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN