Quảng cáo chính thức du nhập vào Việt Nam những năm 1990. Ngay từ lúc ấy, nó được người Việt đón nhận nồng nhiệt. Ngoài ảnh hưởng đến lợi tức trong kinh doanh, quảng cáo còn ảnh hưởng đến văn hóa. Có nhiều đoạn quảng cáo làm người xem thích thú và được truyền bá rộng rãi trong đời sống thường nhật. Chỉ một câu khẩu hiệu (Slogan), chỉ vài giây hình ảnh cũng có thể trở thành trào lưu. Hiện nay, bộ môn quảng cáo được đưa vào giảng dạy ở các ngành báo chí, tài chính-marketing… Điều đó cho thấy, quảng cáo đóng vai trò không nhỏ đối với đời sống chúng ta. Nhưng vài năm trở lại đây, không hiểu do muốn thu hút người xem đài hay cạn đề tài mà nhiều quảng cáo trở nên “kinh khủng”.
Người xem đài chỉ cần mở lên là muốn tắt ngay vì khó chịu. Ai cũng biết quảng cáo thường là không đúng sự thật 100%. Bởi lẽ nguyên tắc của quảng cáo là phóng đại, hàm ý, ẩn dụ nhằm gây sự chú ý đối với người tiêu dùng. Qua đó kích thích tính tò mò, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đó. Tuy nhiên, càng lúc quảng cáo càng lố bịch, đi quá đà. Thậm chí có nhiều mẩu quảng cáo quá ư là vô duyên, trái với thuần phong mỹ tục. Đơn cử như mẩu quảng cáo về sữa A. Trong đó cô gái than thở rằng mẹ mình bị loãng xương, nên cô chọn mua sữa A cho… mình để phòng ngừa. Trong khi cô lại không mua biếu mẹ mình hộp nào.
Hay những mẩu quảng cáo quá phóng đại như dùng nước xả C., chỉ cần chà nhẹ là thay đổi mùi hương. Uống cà phê C. mạnh đến nỗi bay xuyên qua mấy tòa cao ốc. Còn bột giặt A, chỉ cần vò nhẹ là trắng như mới. Có một số đoạn quảng cáo khó hiểu, không ăn nhập gì đến nội dung hay thông điệp của sản phẩm. Có lẽ đó là do ý đồ của nhà sản xuất nhằm thu hút sự chú ý, nhưng không thể chấp nhận khi nó đi quá đà.
Đồng ý rằng quảng cáo là món ăn tinh thần không thể thiếu của người tiêu dùng. Báo chí nhờ có quảng cáo mới đem đến cho độc giả, người xem đài những thông tin hấp dẫn. Các doanh nghiệp, nếu không có bộ phận Makerting, chiến lược quảng cáo sẽ thất bại trong kinh doanh. Tuy nhiên việc quảng cáo đàng hoàng cũng cần phải đề cập trong văn hóa kinh doanh. Nếu cứ quảng cáo quá phóng đại, một số người tiêu dùng lầm tưởng tin theo nhưng kết quả không được như mong muốn là sự dối trá (dối trá được hợp thức hóa). Vì vậy nhà sản xuất cần có những quảng cáo nhẹ nhàng, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Mặt khác, Bộ thông tin và Truyền thông cũng cần có biện pháp chế tài đối với những quảng cáo trái với thuần phong mỹ tục, gây sự nhầm tưởng trong suy nghĩ của người Việt.
Nguyễn Hoàng Duy