Ngày 9/3, Venezuela đã triệu hồi Đại biện lâm thời tại Mỹ Maximilien Arvelaiz về nước để tham vấn khẩn. Quyết định được Venezuela đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ban bố lệnh trừng phạt đối với bảy quan chức cấp cao của Venezuela.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodríguez cho biết nước này đã triệu hồi ông Maximilien Arvelaiz về nước để tham vấn khẩn cấp.
Ngoại trưởng Rodríguez tố cáo đây là hành động mang tính can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela, đồng thời khẳng định nước này sẽ sớm đáp trả động thái mới của Mỹ.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Diosdado Cabello và là Phó Chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền, cũng tố cáo lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm gây bất ổn tình hình chính trị quốc gia Nam Mỹ và kêu gọi người dân thận trọng. Phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ chính phủ, ông Cabello khẳng định không chấp nhận bất cứ mối đe dọa nào từ Mỹ.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký sắc lệnh hành chính áp đặt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào bảy quan chức chính phủ của quốc gia Nam Mỹ này.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn phát biểu cùng ngày của người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Washington tuyên bố Venezuela là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời quyết định áp đặt trừng phạt bảy quan chức chính phủ Venezuela, trong đó có người đứng đầu cơ quan tình báo và giám đốc cảnh sát quốc gia.
Ngoài ra, công tố viên Katherine Padron, người đã buộc tội Thị trưởng Caracas Antonio Ledezma tội danh âm mưu đảo chính, cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt. Theo sắc lệnh này, bảy quan chức Venezuela nêu trên sẽ bị phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Không dừng ở đó, mọi công dân Mỹ bị nghiêm cấm có giao dịch làm ăn hay quan hệ tài chính với những người có tên trong dách sách trừng phạt. Nhà Trắng cũng kêu gọi Caracas trả tự do cho những nhân vật mà Washington gọi là “tù chính trị”, trong đó có hàng chục sinh viên.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Venezuela đang xuống mức thấp nhất kể từ khi Tổng thống Nicolas Maduro lên cầm quyền tại quốc gia Nam Mỹ giàu tài nguyên dầu mỏ này vào năm 2013.
Đây được coi là hành động trả đũa việc Tổng thống Maduro ngày 28/2 tuyên bố sẽ cấm cấp thị thực đối với một loạt các quan chức Mỹ bị Caracas xếp vào danh sách "khủng bố", đồng thời áp đặt một hệ thống thị thực bắt buộc đối với tất cả các công dân Mỹ tới nước này nhằm đáp lại sự can thiệp của Washington vào công việc nội bộ của Venezuela.
Căng thẳng leo thang hơn nữa khi chính phủ Venezuela hôm 2/3 yêu cầu trong vòng 15 ngày Đại sứ quán Mỹ tại Caracas phải cắt giảm hơn 80% nhân sự, theo đó giảm số lượng nhân viên từ 100 người hiện nay xuống còn 17 người.
Lý do được Bộ Ngoại giao Venezuela đưa ra là để ngang bằng với số lượng biên chế của Đại sứ quán Venezuela tại Washington. Kể từ năm 2010, hai nước cũng đã ngừng trao đổi đại sứ do những bất đồng liên quan đến tình hình chính trị của Venezuela.
TTXVN/Tin tức