Bất chấp việc nối lại cuộc hòa đàm Israel-Palestine được người dân hai bên “chào đón” bằng sự thờ ơ, bi quan và thù địch nhiều hơn là lạc quan, các nhà trung gian hòa giải Mỹ đang tin rằng cuộc thương lượng lần này có thể vượt qua những thất bại trong quá khứ.
Trưởng đoàn đàm phán Palestine, Saeb Erakat (trái), trưởng đoàn Israel, Tzipi Livni (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau buổi hội đàm ngày 30/7. Ảnh: AFP-TTXVN |
Tờ "Thời báo Israel" ngày 30/7 chỉ ra 7 lý do khiến người Mỹ tin rằng giới lãnh đạo Israel và Palestine sẽ đạt được những thỏa hiệp "chấp nhận được" trong cuộc gặp lần này như sau:
Thứ nhất, chuyến thăm khu vực mới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama được đánh giá là bước khởi đầu cho sự thay đổi lớn. Người Israel đã lôi kéo được tình cảm ngay khi ông Obama đặt chân xuống sân bay Ben Gurion. Ông Obama tin rằng chuyến thăm của ông có tác động thực sự tới người Israel và Palestine, nhấn mạnh nhu cầu giải quyết cuộc xung đột cũng như đưa ra đảm bảo rằng chính quyền Mỹ cam kết giúp hai bên tìm giải pháp.
Thứ hai, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tin rằng ông đã xây dựng được mối quan hệ tin cậy với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, thuyết phục họ về sứ mệnh hòa bình của ông và tạo dần bầu không khí tích cực hơn. Những nỗ lực của ông Kerry nhằm giảm thiểu việc rò rỉ thông tin là một nhân tố giúp gia tăng lòng tin của các bên đối với ông. Các cuộc đàm phán và thỏa hiệp được giữ kín nên không chịu áp lực của công chúng. Việc bổ nhiệm nhà trung gian dày dạn kinh nghiệm Martin Indyk làm người điều phối đàm phán cũng giúp tăng lòng tin. Ông Indyk sẽ là đối tác tích cực và có thể được bố trí tới khu vực khi các cuộc đàm phán tăng tốc.
Thứ ba, bất chấp thực tế ông Kerry phải thực hiện tới 6 chuyến công du mới có thể kéo các bên tới bàn đàm phán ở Washington, người Mỹ nhấn mạnh tới việc thuyết phục được hai bên đưa ra những quyết định khó khăn, như phía Israel trả tự do cho các tù nhân Palestine bị giam giữ và phía Palestine giảm bớt những điều kiện tiên quyết về ngừng xây dựng khu định cư cũng như việc Israel phải chấp nhận các giới tuyến trước năm 1967 như cơ sở đàm phán đường biên giới của một nhà nước Palestine. Có thể giới lãnh đạo hai bên đồng ý hòa đàm chỉ để ngăn bên kia đổ lỗi cho thất bại của ông Kerry, nhưng có lẽ đó không phải là cách người Mỹ nhìn nhận.
Thứ tư, không giống năm 2010, lần này có một giai đoạn khá dài cho các bên thương lượng. Hiện nay, các bên cam kết dành chín tháng cho đàm phán, đủ thời gian nếu các bên thực sự sẵn sàng cho các thỏa hiệp.
Thứ năm, cả hai bên đã cam kết thảo luận nghiêm túc tất cả các vấn đề cốt lõi như ông Kerry xác nhận ngày 30/7. Người Mỹ ngày càng tin tưởng việc đạt được những thỏa hiệp mặc dù thừa hiểu khoảng cách giữa các bên lớn như thế nào. Ông Kerry đã biết quan điểm của Israel và Palestine về những vấn đề cốt lõi và tin rằng giới lãnh đạo hai bên có thể tìm được lối thoát bằng một thỏa hiệp hợp lý.
Thứ sáu, người Mỹ không xem việc ông Abbas không tiếp nhận đề nghị năm 2008 của cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert là bằng chứng về sự không khoan nhượng của Tổng thống Palestine. Washington tin rằng cả hai bên đều đã bị tác động bởi thời gian, môi trường khu vực mới, sự lo ngại chung về cuộc xung đột. Không giống đề nghị của ông Olmert trước đây, mọi thỏa thuận lần này sẽ đến dần dần thông qua thỏa hiệp và nhượng bộ chung.
Thứ bảy, mục tiêu đàm phán Israel-Palestine là đạt được thỏa thuận về vị thế cuối cùng và chấm dứt xung đột, nhưng người Mỹ khẳng định rằng họ có những quan điểm thay thế. Ông Kerry biết rằng sẽ là thiếu trách nhiệm nếu không có kế hoạch B thay thế, như một số dạng thỏa hiệp tạm thời.
TTK