Ông Martin Hoppe, Tham tán Phát triển Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam. Ảnh: monre.gov.vn |
Thưa ông Martin Hoppe, ông đánh giá thế nào về kế hoạch rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam? Gần đây, Việt Nam có kế hoạch rà soát và cập nhật NDC với mục tiêu đệ trình NDC cập nhật cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào năm 2019. Theo đó, Việt Nam đang thực hiện một yêu cầu từ Thỏa Thuận Paris - được đề ra tại Quyết định số 1/CP21 của COP 21).
Chúng tôi rất hoan nghênh nỗ lực này do kể từ khi Việt Nam đệ trình INDC vào tháng 9 năm 2015, một số chính sách mới đã được thông qua trong những năm gần đây như: Tổng sơ đồ Phát triển Điện 7 sửa đổi, chiến lược năng lượng tái tạo cũng như các mức tham chiếu REDD mới... Tiềm năng giảm nhẹ của Chiến lược năng lượng tái tạo còn lớn hơn tiềm năng giảm nhẹ đã xác định trong NDC.
Việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược năng lượng tái tạo nhằm giảm 25% lượng phát thải từ lĩnh vực năng lượng cho tới năm 2030 sẽ giúp đạt được mục tiêu có điều kiện của NDC. Điều này mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc gia tăng đáng kể mức cam kết giảm nhẹ trong NDC cập nhật và đóng góp cho nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Chúng tôi tin rằng việc sử dụng tiềm năng giảm nhẹ này ở Việt Nam sẽ có ý nghĩa về kinh tế trên cả quan điểm môi trường và quan điểm kinh tế.
Chúng tôi cũng tin rằng các lợi ích từ giảm nhẹ và thích ứng cần được xem xét đồng thời trong NDC cập nhật để đảm bảo tính hiệu quả của các giải pháp. Đồng thời, chúng ta cũng thấy tiềm năng lớn trong việc rà soát các kịch bản cơ sở và xây dựng một hệ thống MRV mạnh mẽ nhằm thúc đẩy quá trình giám sát tiến độ NDC.
Nỗ lực của Việt Nam trong việc rà soát, cập nhật NDC như thế nào, thưa ông? Bản NDC cập nhật cũng sẽ góp phần cung cấp thông tin cần thiết cho các đối thoại mang tính thúc đẩy năm 2018 và thực hiện kiểm kê toàn cầu trong khuôn khổ UNFCCC vào năm 2023. Chúng tôi cũng hi vọng rằng việc cập nhật NDC sẽ được tiến hành với những thông tin tốt nhất có thể.
Trong bài phát biểu, ngài Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ cung cấp thông tin cần thiết cũng như thực hiện các nghiên cứu bổ sung. Chúng tôi rất vui mừng được đóng góp cho tiến trình này thông qua các dự án đang triển khai ở một số lĩnh vực do Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức tài trợ.
Tôi tin rằng sự tham gia của các cơ quan Bộ ngành chủ quản ngay từ giai đoạn đầu của quá trình rà soát và cập nhật sẽ là một yếu tố chủ chốt mang lại thành công trong việc cập nhật cũng như triển khai NDC trong những năm tiếp theo, vì các Bộ ngành liên quan đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai. Điều quan trọng là các biện pháp NDC được lồng ghép vào quá trình lập kế hoạch quốc gia, kế hoạch phát triển ngành cũng như quá trình dự toán ngân sách.
Tôi xin nhấn mạnh rằng chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cập nhật NDC và khởi động quá trình này kịp thời. Những nỗ lực và đầu vào của các bên liên quan đến biến đổi khí hậu là cần thiết làm cho quá trình này trở nên có ý nghĩa. Chúng tôi vô cùng tự hào là một trong hai đối tác phát triển hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam trong quá trình quan trọng này từ nay tới năm 2019.
Vai trò của Việt Nam như thế nào đối với đối tác NDC, thưa ông? Nhằm thúc đẩy việc triển khai NDC và cùng nâng cao tham vọng, Đối tác NDC toàn cầu đã được khởi động tại COP 22 bởi quốc gia đồng chủ tịch Ma Rốc và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức cùng với nhiều quốc gia đang phát triển, các quốc gia mới nổi và công nghiệp hóa khác cũng như các cơ quan đa phương.
Tầm nhìn chính của Đối tác NDC là cách tiếp cận cùng hành động, hợp tác và thúc đẩy việc thực hiện NDC và cùng nâng cao tham vọng. Đối tác NDC đã triệu tập các bộ trưởng tài chính, khí hậu cũng như các ngành khác và các cơ quan tài chính đằng sau NDC. Nếu chúng ta cùng nhau hành động, phối hợp các mục tiêu phát triển và khí hậu, chúng ta có thể cùng nhau tạo ra những câu chuyện thành công và nhân rộng ra quốc tế.
Tới nay, đã có 67 quốc gia là thành viên của Đối tác NDC. Chúng tôi đánh giá cao việc Việt Nam là một thành viên tích cực của Đối tác NDC kể từ khi thành lập - Vai trò quan trọng của Việt Nam đã được phản ánh thông qua việc Việt Nam là thành viên của Ban Chỉ đạo Đối tác NDC. Hiện Việt Nam cũng đang chủ trì Đơn vị Hỗ trợ cho Đối tác NDC.
Trân trọng cảm ơn ông!