Vụ tấn công ở Kenya báo hiệu điều gì?

Vụ tấn công bất ngờ của nhóm Al-Shabaab nhằm vào trung tâm thương mại Westgate ở thủ đô Nairobi của Kenya ngày 21/9 cho thấy một mối đe dọa mới về nguy cơ khủng bố ở các trung tâm mua sắm trên toàn thế giới. Liệu an ninh cho những trung tâm này có thể được củng cố hay thắt chặt mà không tạo ra gánh nặng chi phí hay không?

Binh sĩ Kenya triển khai ngoài khu trung tâm mua sắm sau khi xảy ra vụ tấn công ngày 21/9. Ảnh:AFP/TTXVN

Kenya đã hứng chịu nhiều vụ tấn công khủng bố trong quá khứ, nổi bật nhất là vụ al-Qaeda tấn công Đại sứ quán Mỹ năm 1998 khiến 217 người thiệt mạng và âm mưu tấn công một máy bay Israel cất cánh từ sân bay Mombassa năm 2002. Ngoài ra, quốc gia Đông Phi này đặc biệt còn trở thành mục tiêu trả đũa của nhóm Al-Shabaab do sự hiện diện của hàng nghìn binh sĩ Kenya ở miền nam Somalia trong lực lượng gìn giữ hòa bình châu Phi được phái tới đây để vãn hồi luật pháp và trật tự cũng như tiễu trừ các phong trào cực đoan như Al-Shabaab.


Có ít nhất hai lí do mà phải rất lâu chính phủ Kenya mới thừa nhận vấn nạn khủng bố ở nước này. Thứ nhất là tính nhạy cảm của vấn đề, bởi cộng đồng Hồi giáo chiếm khoảng 12% dân số có thể cảm thấy mình là mục tiêu của bất kỳ chiến lược chống khủng bố mới nào. Thứ hai, nhà chức trách biết rằng việc thực thi các biện pháp khủng bố tích cực sẽ phơi bày sự yếu kém cấu trúc trong năng lực tình báo và sự kém cỏi của lực lượng hành pháp cũng như các cơ quan an ninh của Kenya trong nhiều năm qua do thiếu ngân sách.


Tuy nhiên, mối đe dọa khủng bố không thể bị bỏ qua nên chính phủ Kenya đã lên kế hoạch chống khủng bố và chương trình khẩn cấp với ngân sách do nước ngoài hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nhà chức trách Kenya có lường trước việc trung tâm thương mại có thể là mục tiêu bị tấn công khủng bố hay không? Vụ tấn công Westgate là một sự kiện quan trọng, nêu bật sự yếu kém trong cấu trúc an ninh của Kenya. Những trung tâm mua sắm đặc biệt nhạy cảm trước các vụ tấn công khủng bố do sự dễ dàng tiếp cận với rất nhiều lối vào ra, các bãi đỗ xe không bảo đảm, bản chất ma trận bên trong một trung tâm thương mại mà lực lượng an ninh và thi hành pháp luật không mấy quen thuộc, khả năng yếu kém của nhóm bảo vệ, cũng như mật độ khách tập trung đông.


Kể từ năm 1998, đã có hơn 60 vụ tấn công khủng bố xảy ra tại các trung tâm mua sắm trên toàn thế giới. Rõ ràng, những biện pháp đảm bảo an ninh được thực hiện ở trung tâm mua sắm để đối phó với khả năng bị tấn công khủng bố là kém an toàn hơn nhiều so với sân bay, khách sạn hay trụ sở cơ quan công quyền. Chính phủ các nước giờ đây sẽ phải nghiên cứu kỹ hơn những biện pháp đảm bảo an ninh cho trung tâm mua sắm. Bởi chúng, đặc biệt là các khu cao cấp, là biểu tượng của sức sống nền kinh tế. Rất đông người tụ tập ở đó vào mỗi dịp cuối tuần. Và vì thế, chúng trở thành những mục tiêu.


Vụ tấn công ở Nairobi cho thấy cần thiết phải lập kế hoạch chỉ huy cũng như điều phối kiểm soát trong lực lượng thi hành pháp luật và an ninh để thực hiện một chiến dịch trấn áp khủng bố trong một cấu trúc như trung tâm mua sắm. Song, điều đáng nói là bất kể phương pháp nào được áp dụng để cải thiện an ninh tại các trung tâm mua sắm - như bổ sung lực lượng bảo vệ và đặt rào chắn ở lối vào bãi đỗ xe, kiểm tra xe và đặt rào chắn phát hiện kim loại tại lối vào tòa nhà, hay đào tạo lực lượng an ninh tốt hơn - tất cả đều tốn kém và gây bất tiện cho công chúng.

 

Việt Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN