Xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, không chạy theo thành tích

Thực hiện Nghị quyết 04-NQ của Tỉnh ủy Sóc Trăng ngày 2/8/2016 về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 – 2020, đến nay Sóc Trăng đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tạo sự đổi thay tích cực ở nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay cây mía bằng cây nhãn cho hiệu quả kinh tế cao.

Nâng cao đời sống nhân dân

Gia Hòa 2 (huyện Mỹ Xuyên) là xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến trước đây. Xã là một trong 28 địa phương được chọn làm điểm chỉ đạo của tỉnh Sóc Trăng trong xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020.

Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của xã còn chậm phát triển. Cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, hệ thống điện chưa được đầu tư đúng mức. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 20%...

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã cùng các ban, đoàn thể đã tổ chức quán triệt trong Đảng bộ và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, được nhân dân hưởng ứng tích cực. Trong 6 năm triển khai xây dựng NTM, xã đã huy động được gần 130 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 8 tỷ đồng. Xã quan tâm đầu tư nhiều công trình như cầu, đường, trường, trạm y tế, điện.

Đảng bộ, chính quyền xã Gia Hòa 2 xác định mục tiêu xây dựng NTM là nâng cao đời sống nhân dân, từ đó tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các mô hình sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người dân, giảm hộ nghèo ở địa phương.

Đến nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí theo chuẩn NTM. Kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 3,4%. Hệ thống điện - đường, cầu - trường học - trạm y tế và kênh mương nội đồng được đầu tư cứng hóa, kiên cố hóa. Thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 37,1 triệu đồng/người/năm.

Chú thích ảnh
Xã Tham Đôn được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên) là xã có đông đồng bào Khmer, với hơn 73% dân số là người Khmer. Thời điểm bắt đầu xây dựng NTM vào năm 2010, xã chỉ có 5/19 tiêu chí đạt chuẩn, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 8,4 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo chiếm trên 31,%... Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, hệ thống chính trị và nhân dân trong xã Tham Đôn đã đồng lòng, chung tay hưởng ứng xây dựng NTM.

Đến nay, bộ mặt nông thôn của xã đã đổi thay nhanh chóng, đời sống người dân được nâng lên. Mức thu nhập bình quân của người dân trong xã hiện đạt 41,45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,82%. Xã đã đạt 19/19 tiêu chí của chuẩn NTM.

Chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng

Trong năm 2018, ngân sách nhà nước đầu tư vào xây dựng NTM tại Sóc Trăng là 142,87 tỷ đồng, chưa kể hàng chục tỷ đồng huy động từ các nguồn xã hội hóa khác; Sóc Trăng đã có thêm 9 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh đến cuối năm 2018 lên 32 xã. 

Để có nguồn kinh phí hoạt động hàng năm cho các địa phương đầu tư xây dựng NTM, Sóc Trăng đã bố trí đầu tư ngân sách hàng năm khoảng 30 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương; ngoài ra còn có các nguồn vốn hỗ trợ khác từ Trung ương và vốn xã hội hóa, vốn lồng ghép từ các chương trình để xây dựng NTM có hiệu quả.

Trong xây dựng NTM, Sóc Trăng đã đẩy mạnh phát triển giao thông, đảm bảo sản xuất, sinh hoạt, đời sống của người dân thông qua việc triển khai các công trình điện, đường, trường, trạm… góp phần giữ vững quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội. Từ đó góp phần tăng thu nhập người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn.

Riêng về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, Sóc Trăng tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cơ sở, phục vụ thiết thực hơn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân nông thôn. Tổng vốn ngân sách bố trí phát triển hạ tầng nông thôn 2 năm trở lại đây đạt gần 400 tỷ đồng, trong đó: ngân sách của Trung ương trên 300 tỷ đồng, để thực hiện 350 công trình gồm hơn 300 công trình giao thông, 3 công trình thủy lợi, 15 công trình trường học, trên 30 công trình cơ sở vật chất văn hóa, công trình nước sạch và một số công trình khác, lồng ghép các nguồn vốn với tổng cộng gần 1.900 tỷ đồng (như vốn thủy lợi phí, hỗ trợ đất lúa, phát triển giao thông nông thôn, giáo dục…) để thúc đẩy quá trình hoàn thiện hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho các xã (nhất là xã điểm) hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM theo kế hoạch.

Theo ông Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương của tỉnh tập trung quyết liệt đối với các xã còn lại để hoàn thành kế hoạch có trên 50% số xã nông thôn của tỉnh đạt chuẩn NTM trong năm 2020 và phấn đấu các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên. Mặc dù so với nghị quyết, chỉ tiêu thực hiện vẫn còn chậm, nhưng tỉnh chủ trương xây dựng NTM đi vào thực chất, không chạy theo thành tích.

Bài, ảnh: Trung Hiếu (TTXVN)
Ngành nông nghiệp quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới
Ngành nông nghiệp quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới

Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức đến từ những yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, biến đổi khí hậu, trong khi thị trường nông sản thế giới và trong nước cạnh tranh gay gắt.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN