Vậy cần làm gì để tránh tái diễn vụ việc đáng tiếc tương tự? Báo Tin tức xin giới thiệu bài viết của thầy giáo Bùi Gia Nội, Hiệu trưởng Trường Phổ thông chất lượng cao Hùng Vương, TP Việt Trì, Phú Thọ, về vấn đề này.
Từ sự việc đau lòng trên có thể thấy rõ mấy vấn đề cần rút kinh nghiệm: Thứ nhất là trách nhiệm quản lý học sinh của giáo viên chủ nhiệm lớp. Thứ hai, sự tắc trách của bộ phận lái xe, giáo viên đưa đón trẻ. Thứ ba là quy trình quản lý xe đưa đón trẻ của nhà trường. Thứ tư là kỹ năng của các em học sinh khi rơi vào tình huống tương tự.
Là Hiệu trưởng một ngôi trường, cũng có bộ phận xe đưa đón học sinh, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm tổ chức và quản lý như sau:
- Nếu có thể nên chọn loại xe đưa đón học sinh có không gian rộng, có cửa thoát hiểm sau xe, kính xe nên sử dụng kính trong suốt để có thể dễ dàng quan sát từ bên ngoài, trên xe phải có bình cứu hỏa, hộp cứu thương, búa phá kính gắn tại các vị trí cửa kính, có thể gắn thêm camera giám sát trên xe.
- Tuyển lái xe: Phải có giấy phép lái xe phù hợp loại xe nhà trường sử dụng. Phải kiểm tra lý lịch, sức khỏe. Nên ưu tiên các bác tài xế có kinh nghiệm chạy xe cho các hãng du lịch, xe buýt.
- Nhân viên đưa đón trẻ ngoài tinh thần trách nhiệm cũng phải được tập huấn các kỹ năng an toàn và thoát hiểm trên ô tô (ứng phó với hỏa hoạn, tai nạn va chạm, mở phá cửa trong trường hợp khẩn cấp, tình huống xe rơi xuống ao hồ, sơ cứu cơ bản...).
- Xây dựng quy trình đưa đón trẻ: Mỗi xe đưa đón chỉ chạy trên 1 tuyến cố định. Tất cả các xe đều được đánh số thứ tự. Tất cả các em đi trên 1 xe đều có danh sách đầy đủ thông tin địa chỉ, số điện thoại gia đình, các em phải có thẻ đi xe. Tất cả các em phải tập hợp xếp hàng trước khi lên xe. Giáo viên đưa đón phải lên xe cuối cùng. Không nên đón trẻ trong khu vực sân trường. Dựa vào lứa tuổi, sức khỏe học sinh trên xe giáo viên đưa đón nên đánh số thứ tự vị trí ngồi cố định cho từng em để dễ quản lý và các em học sinh lớn có thể hỗ trợ các em học sinh nhỏ hơn trên xe.
Giáo viên đưa đón phải kiểm diện đầy đủ học sinh trên xe trước khi di chuyển. Lái xe phải quan sát không gian xung quanh xe, gầm xe (đã có trường hợp trẻ nhỏ làm rơi đồ chơi và chui vào gầm xe để nhặt). Khi đón trẻ đến trường tại điểm đón phải đảm bảo trẻ lên xe an toàn mới di chuyển.
Khi trẻ xuống xe cũng phải đảm bảo trẻ đã đủ khoảng cách an toàn với xe. Lúc này, giáo viên đưa đón phải xuống trước để quan sát đảm bảo an toàn cho trẻ. Lái xe phải kiểm tra xe để đảm bảo học sinh xuống hết và không bỏ quên các đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân, sau đó lái xe đưa xe vào bãi.
Trong chương trình giáo dục của nhà trường phải giáo dục các em về nề nếp xếp hàng, văn hóa ứng xử nơi công cộng, văn hóa tham gia giao thông, kỹ năng thoát hiểm trên xe ô tô, kỹ năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp, kỹ năng sơ cứu cơ bản...
Bên cạnh đó, phụ huynh phải phối hợp với nhà trường, phải báo với giáo viên đưa đón trong trường hợp trẻ nghỉ học hay tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi lên xe. Cần đưa trẻ đến vị trí đón đúng giờ quy định để đảm bảo cả xe đến trường đúng giờ, bởi nếu mỗi trẻ muộn vài phút thì cả xe sẽ không thể đảm bảo thời gian hành trình.
Phụ huynh cũng lưu ý không để trẻ nhỏ ngồi trong xe một mình, bởi trong không gian hẹp và không bật điều hòa, nhiệt độ trong xe tăng rất nhanh và trẻ có thể bị ngạt. Đã có trường hợp cha mẹ để con trong xe rồi vào siêu thị mua đồ khi quay lại thì trẻ đã bị suy hô hấp và suýt nguy hiểm đến tính mạng. Các bậc phụ huynh cũng cần thường xuyên nhắc nhở và giáo dục các kỹ năng tại nhà cho con em mình.
Sau sự việc này chắc chắn các trường đều cần phải xây dựng quy trình đưa đón trẻ và quản lý chặt chẽ hơn để không bao giờ lặp lại sự việc đau lòng này một lần nữa.