Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, với vị trí trung tâm kinh tế - thương mại – du lịch và dịch vụ lớn của cả nước; điểm trung chuyển, tiêu thụ hàng hóa tốt nhất khu vực; nơi tiếp giáp Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ, tiếp giáp cảng biển... là những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố nói chung và thương mại, dịch vụ nói riêng. Trong hoạt động thương mại, dịch vụ, thì sự hình thành và phát triển mạng lưới chợ còn có ý nghĩa rất quan trọng, cũng như vẫn giữ vai trò là đầu mối lưu thông hàng hóa, cung cấp thực phẩm… phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của người dân, nhất là những ngành hàng lương thực, thực phẩm…
Thống kê trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 233 chợ, gồm: 17 chợ hạng 1; 54 chợ hạng 2; 162 chợ hạng 3 và chợ tạm. Trong thời gian qua, nhiều chợ đã được các địa phương thực hiện nâng cấp, sửa chữa như chợ Bình Tây, Bến Thành, An Đông... nhằm cải thiện chất lượng và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Tuy nhiên, xu hướng thị trường tiêu dùng ngày ngày càng ưu tiên yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc sản xuất rõ ràng, chưa kể có nhiều chương trình khuyến mãi được các siêu thị, trung tâm thương mại, mua sắm qua các trang thương mại điện tử... khiến đa số khách hàng đang dần dần thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm. Trong khi đó, nhiều bất cập tồn tại trong kinh doanh và công tác quản lý chợ cũng là nguyên nhân làm giảm thu hút khách hàng đến với chợ như chính sách đầu tư, quy hoạch phát triển thương mại của địa phương; mô hình quản lý, nhận thức của ban quản lý chợ, tiểu thương… chưa bắt nhịp kịp thị hiếu người tiêu dùng hiện đại.
Để khắc phục tình trạng này phải có hệ thống đồng bộ giải pháp mang tính toàn diện, với trước hết là phải thay đổi mô hình chợ, nâng cao chất lượng phục vụ tại chợ, hình thành cơ chế chính sách thu hút đầu tư để huy động sự tham gia của xã hội vào phát triển của hệ thống chợ tại Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và tại Quận 1 nói riêng. Cụ thể, trên cơ sở tổng hợp từ kế hoạch của các địa phương, dự kiến đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tối ưu hóa hệ thống chợ truyền thống.
Đồng thời, TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, hiện đại hóa hệ thống chợ, hoàn thiện công năng để đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, phát triển các chợ thành điểm tham quan, mua sắm du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch cho thành phố và các tỉnh phía Nam.
Ở góc độ địa phương, đại diện UBND Quận 1 cho biết, địa phương là quận trung tâm của thành phố, tốc độ phát triển thương mại, dịch vụ cao, tập trung nhiều hệ thống phân phối hiện đại, thế nhưng chợ truyền thống Quận 1 vẫn tồn tại và phát triển, mang bản sắc riêng là di tích văn hóa, biểu tượng của thành phố, điểm đến du lịch không thể bỏ qua khi đến Quận 1 và Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là chợ Bến Thành. UBND Quận 1 đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển thành phố và các đơn vị liên quan hỗ trợ thương nhân đổi mới phương thức kinh doanh, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, đồng thời quảng bá hình ảnh, thương hiệu chợ Bến Thành.
Ban Quản lý chợ Bến Thành phối hợp với một số đoàn thể trên địa bàn Quận 1, triển khai phong phú nội dung tiêu chuẩn của phong trào “Người kinh doanh văn minh” đến các tổ ngành hàng và thương nhân. Trong thời gian tới, UBND Quận 1 tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp phù hợp trong xây dựng hình ảnh chợ truyền thống theo hướng văn minh thương mại như cơ cấu lại ngành hàng tại các chợ, phát huy tối đa ngành hàng đặc trưng của từng chợ…
Báo cáo tham luận của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Lê Thị Hải Yến chỉ ra rằng, mua sắm tại chợ truyền thống vẫn có nhiều lợi ích cho người tiêu dùng hiện nay, tuy nhiên mô hình chợ truyền thống hiện hành đã không còn thoả mãn được những yêu cầu và thói quen mới của người tiêu dùng trong thời đại mới. Bên cạnh đó, chợ truyền thống cần được cải thiện những vấn đề cố hữu của chợ truyền thống như vấn đề môi trường, nước thải, vệ sinh, đồng thời cũng cần chú trọng một cách đồng bộ các yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường , cũng như chất lượng và nguồn gốc hàng hóa.
Kết quả khảo sát cho thấy, đối với hình thức mua sắm tại chợ truyền thống, người dân hài lòng nhất với giá cả, nhóm mặt hàng được bày bán lại chợ truyền thống, hay nói cách khác là các mối tương tác xã hội, chất lượng hàng hóa và nhiều yếu tố khác. Mặc dù chợ truyền thống đang mất một số lợi thế cạnh tranh so với đa dạng hình thức mua bán trực tuyến, nhưng nhìn chung, người dân cho rằng chợ truyền thống là một nét văn hóa đẹp và không thể hoàn toàn thay thế bởi kênh mua sắm khác.
Liên quan đến đánh giá của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa tại chợ truyền thống, đa phần người dân cho rằng sản phẩm tại chợ truyền thống tươi ngon hơn những kênh mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó, nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ rệt khi 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Nhìn chung, các chuyên gia nhận định, vấn đề thiết kế các mô hình chợ truyền thống kết hợp hiện đại không phải là việc khó đối với công tác quy hoạch đô thị, nhưng rất cần những giải pháp mang tính phù hợp và có lộ trình để đảm bảo tất cả các nhóm trong hữu quan (người mua, người bán, nhóm quản lý...) có đủ thời gian và sự nỗ lực để có thể triển khai đồng bộ và hiệu quả, bắt kịp tốc độ thay đổi của thời đại mới. Đồng thời, mô hình mới sẽ cần được tạo điều kiện để bảo tồn những điểm đặc trưng, phản ánh văn hóa Đông Nam Bộ đặc trưng của ở một không gian đô thị phía Nam với quy mô lớn nhất cả nước.