Cùng với đó, công tác tổ chức điều phối tiêm, lựa chọn các điểm tiêm phù hợp, đủ điều kiện đã được các cơ quan chức năng lựa chọn kỹ, thuận tiện cho người dân đến tiêm, bảo đảm thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Mặc dù vẫn còn những lúng túng ban đầu nhưng đợt tiêm chủng của thành phố đã thành công với sự vào cuộc tổng lực của nhiều lực lượng, bảo đảm an toàn cho người dân.
Bền bỉ tham gia chiến dịch
Trong đợt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh lần này, ngành Y tế đã huy động lực lượng cán bộ, nhân viên y tế tham gia với số lượng rất lớn, đặc biệt là các đội tiêm từ nhiều bệnh viện lớn của thành phố và Trung ương trên địa bàn chi viện. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, các y bác sỹ nhanh chóng sắp xếp công việc của mình tại bệnh viện, cùng tham gia vào đội hình tác chiến.
Trong suốt gần một tuần qua, kể từ khi có lệnh điều động của ngành Y tế thành phố, đội hình hơn 60 y bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh đã bền bỉ hoạt động liên tục suốt hơn 12 tiếng mỗi ngày, để phối hợp cùng ngành Y tế thành phố sớm hoàn thành chỉ tiêu tiêm chủng vaccine được giao, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch COVID19. Mặc dù phải chiến đấu trường kỳ trên nhiều mặt trận (sân bay Tân Sơn Nhất, Khu công nghệ cao...), áp lực về mặt thời gian, số lượng và yêu cầu bảo đảm an toàn tối đa nhưng với tinh thần trách nhiệm được nâng lên cao nhất, sự sắp xếp ngày càng khoa học chuyên nghiệp, sự gắn kết và lạc quan vào niềm tin chiến thắng đã giúp các y, bác sỹ trong đội hình tiêm chủng vaccine của bệnh viện vượt qua sự mỏi mệt, khó khăn, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.
Tương tự, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục cử đội ngũ gần 100 cán bộ, nhân viên y tế lên đường tham gia công tác tiêm chủng và kiểm soát sau tiêm chủng tại thành phố gồm nhiều đội tiêm chủng tham gia chiến dịch tiêm chủng tại Công ty Pouyuen Vietnam (quận Bình Tân), Trường mầm non Họa Mi 3 (Quận 5), Trường Vân Đồn cũ (Quận 4) và Trường Kim Đồng (Quận 5)... Dù hoạt động liên tục từ sáng đến tận đêm khuya nhưng ai nấy đều cảm thấy vui và tự hào vì được đóng góp công sức vào hoạt động chống dịch, trả lại một thành phố “khỏe mạnh”.
Chung sức cùng TP Hồ Chí Minh trong chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lớn nhất lịch sử cho người dân trên địa bàn thành phố, các "chiến sĩ áo trắng" của Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục thực hiện sứ mệnh của nhân viên y tế với cộng đồng trên tinh thần trách nhiệm, sự cẩn trọng và quyết tâm cao độ tại các điểm tiêm chủng. Bệnh viện có tổng cộng 16 đội tiêm, 5 đội cấp cứu và nhóm 61 bác sỹ hỗ trợ các điểm tiêm khi được yêu cầu. "Hôm ấy là ngày tôi ra quân tại nhà thi đấu Phú Thọ trong chuỗi chiến dịch tiêm COVID-19 thần tốc của thành phố. Một bầu không khí nóng bỏng, quyết liệt vào cuối tháng 6; một cảm giác mới mẻ khi mình là một chiến sĩ góp phần bảo vệ sức khỏe cho Thành phố thân yêu. Đây là một kỷ niệm không thể quên và tôi sẽ ghi lại trong nhật ký cuộc đời của mình để nhớ rằng mình tự hào biết bao”, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, Điều dưỡng trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu, Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh chia sẻ về những ngày tham gia chiến dịch tiêm chủng "có một không hai".
Dù đang rất tất bật với công tác lấy mẫu, xét nghiệm khi Thủ Đức là một trong những khu vực "nóng" của dịch bệnh, nhưng Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức cũng đã tổ chức 14 đội tiêm chủng để thực hiện công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 do Sở Y tế giao. Bác sỹ Vũ Kim Hòa, Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức cho biết: "Chúng tôi phụ trách khu vực các khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2, Khu Công nghiệp Bình Chiểu với số lượng công nhân rất lớn. Vì vậy, cùng với các đội tiêm của đơn vị khác, trong những ngày qua chúng tôi đã hoạt động với 100% sức lực để hoàn thành tiến độ đặt ra".
Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ, đến nay 12 đội tiêm của Bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi thực hiện xong công tác tiêm chủng do Sở Y tế phân công. Trong 7 ngày tham gia chiến dịch tiêm chủng, các đội tiêm của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã luôn bảo đảm an toàn cho người dân khi sàng lọc cẩn thận, xử trí đúng các phản ứng sau tiêm và hoàn toàn không để xảy ra các sự cố tiêm chủng nguy hiểm. "Đây không còn là nhiệm vụ mà là cả sự vinh dự lớn lao khi được tham gia vào chiến dịch tiêm chủng thần tốc của thành phố, nhằm mang đến cho người dân "lá chắn" bảo vệ an toàn trong dịch bệnh", bác sỹ Khanh bày tỏ.
Đặc biệt, trong đợt tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, TP Hồ Chí Minh đã huy động sự vào cuộc của lực lượng y tế tư nhân tham gia. Tiêu biểu là 350 y bác sỹ, điều dưỡng của Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC. Ông Bùi Kim Khánh, Giám đốc Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, sau 1 ngày nhận được thư hỏa tốc của Sở Y tế thành phố, đơn vị đã thành lập 100 đội tiêm. Đây là đơn vị có lực lượng tham gia đông nhất trong chiến dịch tiêm vaccine lần này. Tất cả các nhân viên y tế tham gia tiêm chủng đều có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ an toàn tiêm chủng và đều đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 trước đó. "Có thể nói đây là đội quân tinh nhuệ nhất mà chúng tôi sử dụng để phục vụ chiến dịch tiêm chủng thần tốc của thành phố", ông Bùi Kim Khánh khẳng định. Bên cạnh đó là sự tham gia của các bệnh viện tư nhân như Bệnh viện quốc tế Minh Anh (5 đội tiêm chủng), Bệnh viện thẩm mỹ Hàn Quốc JW (2 đội tiêm chủng)...
Cùng với lực lượng y, bác sỹ, trong đợt tiêm chủng quy mô lớn này, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ các điểm tiêm với số lượng gần 8.000 tình nguyện viên. Các tình nguyện viên đã luôn có mặt tại các điểm tiêm, tích cực tham gia hướng dẫn, điều tiết, hỗ trợ người dân đến tiêm thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Bảo đảm tiêm tới đâu, an toàn tới đó
Chiến dịch tiêm chủng đợt 4 tại TP Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 19/6 với 836.000 liều, trong đó bao gồm 50.000 liều dành cho công an và quân đội. Chính thức từ trưa 21/6, TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai tiêm chủng cho tổ phòng, chống COVID cộng đồng, người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức bên cạnh triển khai song song tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trong đợt tiêm vaccine lịch sử này, TP Hồ Chí Minh tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng với số lượng 650 điểm/ngày tại trung tâm y tế, trạm y tế và các điểm lưu động. Để bảo đảm việc giãn cách trong quá trình tiêm chủng, mỗi điểm tiêm chỉ thực hiện cho 200 người/ngày. Bên cạnh đó, Sở Y tế thành phố huy động thêm hệ thống cấp cứu trong chiến dịch tiêm vaccine. Tại khu công nghiệp, 22 kíp cấp cứu (mỗi kíp gồm 1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng, 1 tài xế) và xe cứu thương thường trực được triển khai tại điểm tiêm.
Nhà thi đấu Phú Thọ (Quận 11) được chọn tổ chức là điểm tiêm với quy mô gần 50 bàn tiêm do các đội tiêm đến từ nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố phụ trách. Là điểm tiêm có quy mô lớn nhất thành phố trong đợt này, trong buổi sáng các ngày 24-25/6, do lượng người đổ về đây để tiêm đông nên đã xảy ra tình trạng tập trung quá nhiều người, xếp hàng dài hàng chục mét ở khu vực trước cửa vào nhà thi đấu, không bảo đảm về khoảng cách, quy định về phòng, chống dịch.
Ngay sau đó, các đơn vị chức năng, đặc biệt là lãnh đạo Ủy ban nhân dân Quận 11 đã điều lực lượng phối hợp với ngành Y tế, các lực lượng tình nguyện tổ chức phân luồng, nhắc nhở, điều tiết số lượng người xếp hàng, số lượng người vào tiêm phù hợp. Người đến khám được thông báo theo các khung giờ khác nhau nhằm tránh tập trung đông cùng thời điểm; đồng thời giải tán các nhóm tập trung đông người, yêu cầu người không có tên trong danh sách tiêm rời khỏi khu vực.
Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh nhìn nhận, những ngày đầu, khâu tổ chức tiêm vaccine còn nhiều thiếu sót, cập rập do ngành Y tế cần chuẩn bị đầy đủ lực lượng y, bác sỹ ở các bệnh viện lớn để khám sàng lọc và trực cấp cứu sau tiêm. Đây cũng là lần đầu tiên thành phố tổ chức nhiều điểm tiêm di động, nên cần các đội cấp cứu thường trực, huy động chuyên gia cấp cứu từ nhiều nơi đến. “Dù còn nhiều bất cập nhưng đây là lần đầu thành phố có tốc độ chuẩn bị nhanh như vậy. Chúng tôi rất vui vì ý thức của người dân khi đến tiêm, không tranh giành, có kỷ luật trong tổ chức tiêm”, ông Bỉnh chia sẻ.
Ghi nhận tại nhiều điểm tiêm vaccine, có thể thấy các lực lượng chức năng phụ trách các điểm tiêm đã triển khai tốt việc kiểm soát dòng người, không để xảy ra việc tập trung đông người cùng một thời điểm; tổ chức thông báo phân lượt người tiêm theo giờ, qua đó đã khắc phục được tình trạng tập trung đông người. Song song đó, các khâu tổ chức tiêm từ khâu khám sàng lọc, đo sinh hiệu trước tiêm cho đến khâu tiêm ngừa và theo dõi sau tiêm nhằm đảm bảo tiêm đến đâu, an toàn đến đó, được lực lượng y tế thành phố tổ chức rất bài bản, khoa học. Theo thống kê của Sở Y tế thành phố, trong đợt tiêm này, ghi nhận có 676 trường hợp phản ứng sau tiêm, trong đó có 101 trường hợp phản ứng phản vệ sau tiêm (28 trường hợp độ 1, 42 trường hợp độ 2, 16 trường hợp độ 3, 2 trường hợp độ 4 và 14 trường hợp khác). Tất cả các trường hợp trên được theo dõi sát và hiện tại đều ổn định.
Đánh giá sơ bộ về đợt tiêm vaccine lịch sử của thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, dù thời gian chuẩn bị gấp rút trong 2 ngày, công tác tiêm chủng được tổ chức khẩn trương nhưng đợt tiêm chủng đã thành công, bảo đảm an toàn cho người đến tiêm.
Theo ông Đức, công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 dù có vấn đề trong 1 - 2 ngày đầu nhưng sau đó đã được điều chỉnh. Dù thời gian tiêm chủng chậm hơn 1 ngày so với dự kiến (ngày 26/6), nhưng nếu so với các đợt tiêm chủng trước đây thì tốc độ nhanh gấp 10 lần. “Đó là sự nỗ lực đáng khâm phục của tất cả các lực lượng tham gia vào đợt tiêm chủng cũng như sự hợp tác của người dân thành phố”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh ngày 28/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng đã yêu cầu thành phố tổ chức sơ kết, đánh giá lại việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine đợt 4, từ đó rút kinh nghiệm khắc phục những hạn chế cho các đợt triển khai tiêm chủng tiếp theo.
Có thể nói, những bài học kinh nghiệm rút ra được từ đợt tiêm vaccine lần này của TP Hồ Chí Minh rất lớn, góp phần cho thành phố chuẩn bị cho các đợt tiêm sắp tới với quy mô lớn tương tự khi mà thành phố cần tiêm đến 15 triệu liều để tiêm chủng cho 70% người dân thành phố, góp phần hoàn thành chiến lược vaccine COVID-19 mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.