Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được khởi công, mở ra tương lai đầy hy vọng cho giao thông Thành phố. Chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cũng đã lăn bánh thử nghiệm thành công trên đoạn đường dài 9 km, đánh dấu chặng "nước rút" về đích của dự án.
Niềm vui bên những đường ray
Mặc dù sát Tết Nguyên đán nhưng khoảng 600 - 700 kỹ sư, công nhân vẫn miệt mài thi công trên công trường những nhà ga trên cao dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Năm nay, họ được nghỉ Tết từ ngày 28 tháng Chạp và hội quân trở lại từ mùng 6 tháng Giêng để quyết tâm đưa dự án sớm về đích.
Tại nhà ga Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, trong khi các kỹ sư tất bật hoàn thiện, lắp kính các phòng nhà ga, nhiều công nhân rộn ràng sơn sửa, dọn dẹp công trường cho tươm tất trước kỳ nghỉ Tết.
"Anh em đang nỗ lực hoàn thành các phần việc theo kế hoạch để về quê đón Tết. Tôi dành một ngày để mua sắm đồ Tết, rồi chạy xe máy về quê sum họp cùng gia đình", chị Lâm Bích Thảo (quê Bạc Liêu) lăn sơn bên ngoài nhà ga cho hay.
Khác với chị Thảo, năm nay kinh tế hơi eo hẹp nên anh Nguyễn Chí Khâm (quê Sóc Trăng) đón Tết tại TP Hồ Chí Minh. Anh sẽ về quê thăm gia đình vào dịp sau Tết khi điều kiện thuận lợi hơn. Gắn bó với công trường metro Bến Thành - Suối Tiên đã 5 năm nên với anh Khâm, chuyện đón Tết xa quê cũng không quá lạ lẫm.
"Anh em đã nghe thông tin về kế hoạch của công ty với những phần quà, lương thưởng cho công nhân đón Tết nên rất vui. Tôi đón Tết ở đây nên luôn sẵn sàng bắt tay vào công việc khi công trường mở cửa đầu năm. Mong muốn dự án hoàn thành và tàu metro sẽ sớm chạy trên toàn tuyến", anh Khâm chia sẻ.
Năm vừa qua, dự án metro Bến Thành - Suối Tiên có nhiều khởi sắc. Đến nay, tổng khối lượng thực hiện đạt gần 94%, các hạng mục chính đã cơ bản hoàn thành. Chủ đầu tư và các nhà thầu Nhật Bản đã nhập khẩu toàn bộ 17 đoàn tàu; hoàn thành chạy thử nghiệm trong khu vực depot Long Bình; hoàn trả toàn bộ mặt bằng đường Lê Lợi. Việc hoàn thiện các nhà ga cũng đang được gấp rút thực hiện.
Cuối tháng 12/2022, đoàn tàu metro số 1 cũng đã chạy thử nghiệm thành công từ ga Bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thái với lộ trình dài gần 9 km. Đây là cột mốc quan trọng đối với dự án.
Ông Kazuhiko Nagasawa, Giám đốc Dự án của Công ty Hitachi (gói thầu CP3) chia sẻ, việc chạy thử nghiệm đoàn tàu đánh dấu cột mốc quan trọng bắt đầu vận hành thử nghiệm đoàn tàu cùng các hệ thống cơ và điện trên chính tuyến. Công ty Hitachi cùng với các nhà thầu phụ sẽ huy động mọi nguồn lực để tiếp tục lắp đặt và thử nghiệm tất cả các hệ thống trong khu vực depot, cầu cạn và hầm. Hitachi cam kết sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành thành công dự án.
Theo kế hoạch năm 2023, các đơn vị sẽ hoàn thành việc lắp đặt thiết bị và hoàn thiện kiến trúc các nhà ga, cầu bộ hành toàn tuyến; tiếp tục các bước vận hành thử nghiệm với toàn bộ các hệ thống vận hành tự động, bảo vệ và giám sát đoàn tàu, kết hợp với các hệ thống thiết bị tại các nhà ga. Cùng đó, phối hợp với tư vấn đánh giá an toàn hệ thống để tiến hành thử nghiệm, đánh giá tính an toàn công trình trước khi đưa vào vận hành….
Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, dự án metro Bến Thành - Suối Tiên là một biểu tượng đẹp cho sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ban Quản lý sẽ cùng tư vấn và các nhà thầu Nhật Bản sử dụng tất cả nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành thi công, chuyển sang giai đoạn đưa vào vận hành khai thác.
"Đặc biệt, năm 2023 là dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Do đó, việc phấn đấu hoàn thành thi công dự án là một điểm nhấn hết sức quan trọng trong quan hệ ngoại giao hữu nghị hai nước Việt Nam - Nhật Bản", ông Nguyễn Quốc Hiển chia sẻ.
* Mở đầu đột phá về hạ tầng
Cùng chung niềm vui metro số 1 chạy thử nghiệm thành công, chỉ trong nửa cuối tháng 12/2022, 3 dự án giao thông trọng điểm của TP Hồ Chí Minh liên tiếp được khởi công. Đó là dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng Quốc lộ 50 và nút giao thông An Phú.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa với tổng mức đầu dự án khoảng 4.848 tỷ đồng sẽ kết nối vào nhà ga T3 - cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dài khoảng 4 km, phục vụ cho việc nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm. Dự án tạo ra một tuyến đường mới song hành và giảm tải cho các tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực sân bay.
Dự án mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) có tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng nhằm tăng cường kết nối khu vực cửa ngõ phía Nam Thành phố với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến Vành đai 3 trong thời gian tới. Trong khi đó, dự án nút giao thông An Phú với tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng, mục tiêu tăng cường kết nối cho tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với tuyến đường Mai Chí Thọ…
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, trong năm qua có nhiều "lần đầu tiên" ngành giao thông thành phố thực hiện được. Nổi bật nhất là lần đầu tiên ngành giao thông đóng góp cho ngân sách thành phố với hơn 1.800 tỷ đồng từ thu phí cảng biển. Thu phí cảng biển là tiềm năng, cơ hội đổi mới của ngành giao thông…
Nhưng dấu án lớn nhất trong năm qua phải là hoàn thiện thủ tục để Quốc hội thông qua dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Thành phố và các địa phương làm việc xuyên tết, xuyên dịch để kịp các thủ tục trình Quốc hội vào tháng 6/2022. Lần đầu tiên Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh được giao là đơn vị chủ trì, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư.
Đặc biệt, thủ tục dự án được TP Hồ Chí Minh làm chung cho các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Ông Trần Quang Lâm chia sẻ, đến thời điểm này, có thể coi Vành đai 3 là kiểu mẫu trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Ngay khi dự án được thông qua, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể hóa các đầu việc từ khi có chủ trương đầu tư đến thời điểm công trình đưa vào khai thác, sử dụng. Đây là cơ sở kiểm soát tiến độ, chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, Thành phố đã bắt đầu hiện thực hóa ba "vòng tròn mơ ước" gồm các đường Vành đai 2, 3 và 4, cùng với đó là cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài… Năm 2022 là mở đầu và năm 2023 là hiện thực hóa.
"Đây là ước mơ của rất nhiều thế hệ công tác trong ngành giao thông thành phố. Tôi có dự cảm năm 2023 là mở đầu cho 10 năm đột phá về hạ tầng giao thông của TP Hồ Chí Minh", ông Lương Minh Phúc cho biết.
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định "Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, "Xây dựng và triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, đầu tư phát triển giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt đô thị, các đường vành đai’’.
Dù Thành phố đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được thành phố thông qua bố trí cho lĩnh vực giao thông là 52.744 tỷ đồng, đạt 19,8% so với nhu cầu, chưa đáp ứng nhu cầu để thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông theo các chỉ tiêu, định hướng.
Thời gian qua, việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Năm 2022, lần đầu tiên có lễ bàn giao mặt bằng tại dự án cầu Long Kiểng.
Ông Lương Minh Phúc cho biết, đây được xem như là "trái ngọt đầu mùa". Năm 2023, nhiều dự án liên quan đến mặt bằng cũng sẽ được triển khai. Thành phố cũng đã bắt đầu lập lại những "đầu bài" cho dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) như hai tuyến đường trên cao, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4… nhằm từng bước mở ra đột phá trong cơ chế nguồn lực cho ngành giao thông.
Thành phố cũng đề nghị Trung ương cho phép TP Hồ Chí Minh thí điểm việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư độc lập đối với Nhóm B để thực hiện trước công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Với những điểm sáng và những bài học kinh nghiệm về triển khai các dự án, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện nhanh các công trình giao thông trọng điểm theo quy hoạch để giải bài toán về hạ tầng giao thông. Năm 2023, Thành phố kỳ vọng là bước khởi đầu cho hành trình "đột phá" về phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới.