Nội dung trên được nêu ra tại tọa đàm “Quy hoạch phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố Thủ Đức”, do UBND thành phố Thủ Đức phối hợp Sở Công Thương, Hiệp hội Logistics Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9/6.
Theo ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, nằm trong khu vực phát triển năng động của TP. Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam bộ, nơi luồng hàng tập trung cao, Thủ Đức được đánh giá có thế mạnh về địa kinh tế, thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics. Thủ Đức xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.
Theo định hướng phát triển đến năm 2030, hệ thống trung tâm logistics tại thành phố Thủ Đức gồm 4 trung tâm: Long Bình (quy mô 50 ha); Cát Lái (quy mô 200 - 292 ha); Linh Trung (quy mô 60 - 74 ha); Khu Công Nghệ Cao (quy mô 5 - 6 ha). Số lượng trung tâm logistics ở thành phố Thủ Đức là nhiều nhất, với 4 trung tâm trong tổng số 7 trung tâm logistics ở Tp. Hồ Chí Minh.
Thủ Đức cũng đang phát triển hệ thống logistics phục vụ xuất nhập khẩu cho khu vực Đông Nam bộ như cụm cảng cạn (ICD), địa điểm tập kết trung chuyển hàng hóa, kết nối vận chuyển đường bộ và đường thủy, cung cấp dịch vụ hỗ trợ trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu – cảng biển – các khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng cho biết, vấn đề kết nối, hạ tầng giao thông vẫn chưa phát triển tương xứng, tạo nên những điểm nghẽn cản trở việc phát triển ngành dịch vụ logistics trên địa bàn Thủ Đức. Trong quy hoạch chung thành phố Thủ Đức và đặc biệt đối với quy hoạch ngành logistics tới đây, phát triển các tuyến đường kết nối và hạ tầng giao thông sẽ được chú trọng nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương của doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Bình, Trưởng phòng Marketing Công ty cổ phần Minh Phương Logistics đánh giá, hiện nay Thủ Đức chưa có các trung tâm logistics tương xứng, khu kho vận tập trung có vị trí chưa phù hợp nên làm tăng chi phí xử lý hàng hóa cho cả doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu. Trong khi đó, lượng lớn hàng hóa nhập khẩu qua cảng Cát Lái nhưng sau đó chuyển ngược về các tỉnh lân cận và cung ứng cho Tp. Hồ Chí Minh. Do vậy nguồn doanh thu lớn từ logistics vẫn chưa mang về cho thành phố Thủ Đức.
Trong số các cảng tại thành phố Thủ Đức, cảng Tân Cảng Cát Lái hiện nằm trong Top 30 cảng lớn nhất thế giới về sản lượng hàng hóa thông qua, chiếm gần 90% thị phần sản lượng container xuất nhập khẩu qua các cảng biển Tp. Hồ Chí Minh; đóng góp quan trọng vào thu ngân sách nhà nước thông qua hoạt động xuất nhập khẩu. Cảng này đảm nhiệm vị trí trung tâm cho các hoạt động logistics, kết nối với các trọng điểm sáng tạo, giàu tiềm năng phát triển kinh tế tại thành phố Thủ Đức và khu vực Bình Dương, Đồng Nai.
Để đảm bảo hoạt động cho cảng Cát Lái, ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ logistics Tân Cảng đề xuất tăng năng lực đón tàu, phát triển vận tải đa phương thức kết nối cảng. Về quy hoạch hạ tầng, cần có kế hoạch nạo vét, quy định độ tĩnh không theo xu hướng vận tải quốc tế, phát triển kết nối đa phương thức đường thủy, đường bộ, đường sắt. Cùng với đó, thành phố cần đẩy nhanh các dự án giao thông quan trọng là nút giao Mỹ Thủy, Vành đai 2, Vành đai 3, mở rộng đường Đồng Văn Cống…
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại tọa đàm, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, những ý kiến này là cơ sở để thành phố định hướng kêu gọi đầu tư phát triển 4 trung tâm logistics. Thủ Đức sẽ tiếp tục tập trung triển khai Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tin tưởng, thành phố Thủ Đức sẽ phát triển ngành logistics, trở thành trung tâm logistics chất lượng cao phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, thông thương hàng hóa cho cả khu vực.